Quang cảnh Hội nghị tọa đàm
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò nền tảng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa cần được gắn kết chặt chẽ và hài hòa với các chuẩn mực con người Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện.
Hà Nội, với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa và sức mạnh mềm quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, xây dựng hình ảnh "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là thách thức quan trọng với Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngoại giao của cả nước.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng phát biểu
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là triển khai cụ thể và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Buổi tọa đàm tiếp nhằm tập trung làm rõ ba hệ giá trị cốt lõi: hệ giá trị văn hóa (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học), hệ giá trị gia đình (ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh) và hệ giá trị con người Việt Nam (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo). Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí không chỉ giúp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa mà còn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết xã hội, gia tăng sức mạnh cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu
Hà Nội đang cân nhắc hai phương án xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thời kỳ mới:
Phương án thứ nhất: Kết nối hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và tinh thần hội nhập quốc tế. Phương án này nhấn mạnh vị thế Hà Nội là trung tâm văn hóa và chính trị của cả nước, đồng thời xây dựng hình ảnh con người Hà Nội vừa thanh lịch, văn minh, vừa sáng tạo, hiện đại.
Và phương án thứ hai: Đặt người Hà Nội vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình đổi mới và hội nhập, tập trung thể hiện tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và nghĩa tình qua các hành động cụ thể.
Dù theo phương án nào, hành trình xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì và liên tục. Các tiêu chí cần được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với bối cảnh mới.