Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc kỷ niệm 37 năm thành lập Trung tâm (1988-2025), là dịp để điểm lại hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu của dân tộc trong gần bốn thập kỷ qua.
Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Triển lãm được tổ chức ngay tại khuôn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kéo dài đến hết ngày 20/5/2025. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa lớn lao, không chỉ khẳng định nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa, mà còn mở ra một tầm nhìn mới trong việc đưa di tích trở thành không gian văn hóa sáng tạo giữa lòng Thủ đô.
Tái hiện hành trình bảo tồn và chuyển mình
Bằng hình thức trưng bày đa dạng như hình ảnh, tài liệu, ứng dụng Infographic và các công nghệ trình chiếu hiện đại, triển lãm đã tái hiện một cách sinh động quá trình chuyển mình mạnh mẽ của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ những năm tháng gian khó, khi di tích từng đối mặt với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, đến thời điểm hiện tại - nơi đây đã trở thành một điểm đến văn hóa - du lịch đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc
Triển lãm như một cuốn hồi ký sống động, ghi nhận dấu ấn của nhiều thế hệ lãnh đạo, các nhà khoa học, tổ chức quốc tế và trong nước, cùng đội ngũ cán bộ gắn bó tâm huyết với di tích qua các thời kỳ. Những nỗ lực bền bỉ ấy đã từng bước đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một biểu tượng vừa lưu giữ tinh thần hiếu học truyền thống, vừa là không gian kết nối sáng tạo mang hơi thở thời đại.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh: "Chúng tôi hi vọng Triển lãm không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường đã qua mà còn đưa ra thông điệp về sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giữa gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại".
Không gian sáng tạo trong lòng di sản
Một điểm nhấn đặc biệt của Triển lãm là định hướng xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành "không gian văn hóa sáng tạo" của Hà Nội trong thời gian tới. Đây không chỉ là xu hướng phát triển mới phù hợp với định hướng của UNESCO về phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hiện đại, mà còn thể hiện tư duy mở về sự gắn kết giữa văn hóa - giáo dục - đổi mới sáng tạo.
Các hoạt động sáng tạo, tương tác, giáo dục trải nghiệm dành cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, đã và đang được tổ chức thường xuyên tại đây. Triển lãm lần này là một ví dụ điển hình cho thấy cách di sản có thể trở thành một không gian học tập suốt đời, nơi hội tụ các giá trị lịch sử, tri thức và sáng tạo đương đại.
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Triển lãm
Tôn vinh người gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản
Triển lãm cũng là lời tri ân sâu sắc dành cho những cá nhân, tập thể đang ngày đêm âm thầm làm công việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản. Từ những người làm công tác sưu tầm, phục chế, đến những cán bộ hướng dẫn, truyền thông… tất cả đã góp phần thổi hồn vào những viên đá, mái ngói cổ kính của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để di tích này tiếp tục sống động trong đời sống hiện đại.
Việc tổ chức Triển lãm vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động cũng thể hiện một thông điệp sâu sắc: Gìn giữ di sản không chỉ là gìn giữ lịch sử, mà còn là một phần của hành trình kiến tạo tương lai. Trong đó, mỗi người dân đều có thể trở thành người đồng hành trên con đường bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 37 năm thành lập Trung tâm (1988-2025)
* Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt, được xây dựng từ năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết, đồng thời là trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Quốc Tử Giám. Trải qua gần một thiên niên kỷ, nơi đây không chỉ là biểu tượng của truyền thống hiếu học, mà còn là một điểm đến văn hóa - du lịch quan trọng, nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động giáo dục, nghệ thuật gắn với tinh thần tôn sư trọng đạo và phát huy giá trị tri thức Việt Nam.