Tọa đàm "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng Hà Nội theo hướng chuyển đổi xanh" tại Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội
Ngày 16/6, tại Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng Hà Nội theo hướng chuyển đổi xanh".
Tăng cường hiệu quả vận tải công cộng
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, để tăng cường hiệu quả vận tải công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, Hà Nội triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch chung Thủ đô, trong đó dự kiến có 16 tuyến đường sắt đô thị.
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thành phố Hà Nội
Hiện nay, Hà Nội cũng đang triển khai Đề án đầu tư tổng thể hệ thống tuyến đường sắt đô thị. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 96,8 km tuyến đường sắt. Đến năm 2035 thêm 301 km tuyến nữa, nâng tổng số là 397,8 km. Đến năm 2045 thêm khoảng 200 km nữa, tức là tổng km đường sắt đô thị của Hà Nội đến năm 2045 là khoảng 598,6 km.
Đồng thời, cũng trong thời gian qua, Hà Nội đã phê duyệt "Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố". Song song với đó Hà Nội đã phê duyệt Đề án chuyển đổi phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, sử dụng nhiên liệu điện, năng lượng xanh; theo đó đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.
Ngoài các đề án lớn, Hà Nội cũng đang triển khai một loạt giải pháp, trong đó có triển khai thẻ vé điện tử liên thông cho vận tải hành khách công cộng, dự kiến từ ngày 2/9, Hà Nội triển khai thẻ vé điện tử liên thông các phương tiện công cộng; bên cạnh đó đang xây dựng Dự án chuyển đổi đầu tư, chuyển đổi hệ thống hạ tầng nhà chờ xe buýt công cộng, dự kiến trong giai đoạn từ 2026-2028 với quy mô khoảng 1.150 nhà chờ thay thế và đổi mới. Ngoài ra, việc lắp đặt các trạm sạc năng lượng tại các bến xe và bãi đỗ đang được tiến hành khẩn trương để phục vụ cho sự phát triển của đội xe điện…
"Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ trên, cùng với sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố, tôi nghĩ rằng vận tải công cộng Hà Nội sẽ càng ngày càng phát triển và góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường", ông Phương khẳng định.
Doanh nghiệp sẵn sàng trong việc chuyển đổi giao thông xanh
Đánh giá về những doanh nghiệp của Hà Nội đã sẵn sàng trong việc chuyển đổi giao thông xanh, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng cho biết, các doanh nghiệp của Hà Nội đã có nhận thức rất sớm trong việc chuyển đổi giao thông xanh và đã có chủ động trong việc tham gia. "Đơn cử khi chúng ta chưa nói đến câu chuyện xe điện trước đây (khoảng trên 10 năm) thì đã có những doanh nghiệp đã bước vào câu chuyện chuyển đổi xanh rồi", ông Hải nêu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng
Như công ty Bảo Yến đã đưa những chiếc xe CNG đầu tiên vào vận hành; tiếp theo là VinFast - cũng là đơn vị đầu tiên tham gia vào loại hình xe buýt điện. Rồi đơn vị chủ lực của vận tải công cộng Hà Nội là Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục bước chân vào. Vừa rồi chúng ta đã biết một loạt các xí nghiệp của Tổng công ty Vận tải đã thay thế những phương tiện mới như: Công ty CP xe khách Hà Nội, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội, Công ty CP xe điện. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là quyết tâm và sẵn sàng tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện xu thế này.
Buổi Tọa đàm nhằm phân tích, trao đổi về những định hướng lớn, giải pháp trọng tâm và kỳ vọng trong tiến trình đổi mới hệ thống giao thông đô thị Hà Nội theo hướng hiện đại, xanh và bền vững
Các đơn vị cũng nhận thức rằng mặc dù khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi mình, thay đổi lại hình ảnh của vận tải công cộng Thành phố và nâng cao chất lượng dịch vụ cùng với Thành phố thực hiện tiêu chí lớn nhất là thu hút mạnh mẽ người dân sử dụng vận tải công cộng, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân với cái đích là giảm ùn tắc giao thông, giảm bớt ô nhiễm môi trường. "Chúng tôi rất mừng là các doanh nghiệp vận tải công cộng của Hà Nội hiện nay đã và đang hòa nhập vào xu thế chung, rất tích cực và đang sẵn sàng vận hành theo những định hướng của Thành phố và của ngành Giao thông vận tải", ông Hải bày tỏ.