Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài từ 25/1/2025 đến hết 2/2/2025 nên chỉ số sử dụng lao động tháng 02/2025 trên địa bàn Thành phố ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%, khu vực Nhà nước giảm 0,4%, khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,5%.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt mức cao
Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong năm 2025, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, ngày 3/2, (tức mùng 6 tháng Giêng) có 91,7% doanh nghiệp đã mở lại xưởng sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chế xuất, tỷ lệ này đạt 97,5%. Tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt 95,2%, trong đó, các khu công nghiệp và chế xuất đạt 96%. Đến ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động lại đạt 99,5%, với các khu công nghiệp và chế xuất đạt 100% và tỷ lệ công nhân quay lại làm việc là 99,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Hai ước tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% và tăng 22,2%, sản xuất và phân phối điện giảm 1,5% và tăng 4,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải tăng 0,8% và tăng 3,7%; công nghiệp khai khoáng tăng 0,9%, và tăng 18,4%.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,2%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,7%. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng giảm 3,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố 2 tháng đầu năm 2025 (So với cùng kỳ năm trước)
Một số ngành chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm như: Sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước, dệt tăng 25%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 19,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 19,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%.
Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 5,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 2,9%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tủ lạnh tăng 55,2%, sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 46%, thuốc kháng sinh dạng bột/cốm tăng 43,6%; sữa và kem dạng bột tăng 41,8%; quạt công suất dưới 125W tăng 35,0%; bộ phận tua bin phản lực, tua bin cánh quạt tăng 34,7%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 28,1%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 26,1%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số giảm như: Dược phẩm giảm 47,0%; xe mô tô, xe máy công suất dưới 250cc giảm 44,1%; quần áo người lớn giảm 34,9%; bàn bằng gỗ giảm 33,0%; máy biến thế điện giảm 32,2%; thuốc kháng sinh dạng viên giảm 29,1%; thép không gỉ giảm 23,3%; cửa bằng plasstic giảm 22,2%.