Hàng hóa tại các điểm bán sau Tết vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào từ 2-3 tháng trước Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Nhờ vậy, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến. Doanh thu bán hàng Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng trung bình 5% so với Tết Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, các hình thức bán hàng trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, với tỷ lệ khách hàng hàng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt chiếm 50% tại các hệ thống phân phối lớn và chiếm khoảng 30% - 40% tại các cửa hàng tiện lợi nhỏ. Lượng hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống tăng khoảng 20% và lượng khách mua sắm tăng 30% so với ngày thường. Giá cả các mặt hàng tại các chợ truyền thống đều duy trì ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Sau Tết, hàng hóa tại các điểm bán vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết đáp ứng nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân. Tình hình cung cầu hàng hóa tại các chợ truyền thống, chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại cơ bản ổn định, đảm bảo nguồn cung ra thị trường, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2025 của Thành phố ước tính đạt 71,9 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 46,1 nghìn tỷ đồng, giảm 9,2% và tăng 5,2%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 18,1%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8% và tăng 7,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, giảm 10,8% và tăng 6,9%.
Tính chung trong hai tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 150,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 96,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng mức và tăng 11,4%. Trong đó, các mặt hàng đá quý, kim loại quý tăng 15,9%, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,8% và phương tiện đi lại tăng 14,4%, xăng dầu tăng 13,3%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%...
Đồng thời, doanh thu từ dịch vụ khách sạn và nhà hàng cũng đạt 19,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8%, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% và tăng 12,2%. Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ khác đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,6% và tăng 11,1%.