Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào "Bình dân học vụ số"
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh: Hoàn Kiếm không chỉ là trung tâm văn hóa, du lịch và kinh tế sôi động của Thủ đô mà còn là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, năng động và luôn tiên phong trong các phong trào đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khoảng cách số vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân.
Từ thực tiễn đó, phong trào "Bình dân học vụ số" được phát động với mục tiêu phổ cập tri thức và kỹ năng số cho mọi đối tượng. Đây không chỉ là hành động cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, mà còn thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm hành động mạnh mẽ của chính quyền quận trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại Lễ phát động
Theo kế hoạch, phong trào sẽ được triển khai sâu rộng tới từng phường, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học trên địa bàn quận. Các mục tiêu cụ thể đặt ra gồm: 95% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số; Trên 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.
Phong trào cũng hướng đến việc phấn đấu để 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, trên 50% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ về ứng dụng AI xây dựng từ điển ngôn ngữ, ký hiệu cho người khiếm thính, mô hình đạt Huy chương Vàng (vòng chung kết cuộc thi Công nghệ trẻ châu Á 2025 - YTAC)
"Chúng tôi xác định rằng mục tiêu cao nhất của phong trào là nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua việc tăng năng suất lao động, cải thiện dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh mới và đặc biệt là nâng cao khả năng tự bảo vệ mình trước các rủi ro trong môi trường số, nhất là các hình thức lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi", ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.
Hưởng ứng phong trào, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Minh Linh cam kết toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại phường sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng số. Phường Hàng Gai đặt mục tiêu đạt 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 90% người lao động có kiến thức, kỹ năng về công nghệ số phục vụ sản xuất kinh doanh…
Thầy cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Tràng An chia sẻ về mô hình ứng dụng AI xây dựng chương trình huấn luyện điều chỉnh cảm xúc dành cho trẻ tự kỷ. Mô hình này đạt Huy chương Bạc (vòng chung kết cuộc thi Công nghệ trẻ châu Á 2025 - YTAC)
Phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua điện thoại thông minh, mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh; thành lập các "tổ bình dân học vụ số" tại từng tổ dân phố để hướng dẫn sử dụng công nghệ, chia sẻ kiến thức với tinh thần "người biết nhiều hướng dẫn người biết ít". Đặc biệt, các lực lượng thanh niên, giáo viên, học sinh, doanh nghiệp sẽ được huy động để đồng hành cùng người dân trong hành trình chuyển đổi số.
Tại tổ dân phố số 3 phường Hàng Gai, một mô hình ý nghĩa đã được triển khai thí điểm: lớp học "Cùng bà học dùng Zalo và ngân hàng số". Cụ bà Nguyễn Thị Bình, 72 tuổi, chia sẻ: "Trước đây tôi chỉ nghe con cháu nói về chuyện chuyển khoản, đặt lịch khám bệnh trực tuyến mà không hiểu. Giờ được hướng dẫn từng bước, tôi đã có thể dùng điện thoại để thanh toán hóa đơn, nhận tin nhắn từ bác sĩ và không còn thấy mình bị tụt hậu nữa".
Đoàn Thanh niên quận Hoàn Kiếm chia sẻ về tính ưu việt của phong trào "Bình dân học vụ số"
Phong trào cũng thu hút sự đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng và các tổ chức xã hội. Những đơn vị này đang phối hợp cùng chính quyền địa phương để xây dựng tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng như người cao tuổi, người dân nông thôn, học sinh, người kinh doanh nhỏ… Các buổi tập huấn ngắn, video minh họa và tờ rơi trực quan sẽ được sử dụng để nâng cao hiệu quả tiếp cận thông tin.
"Bình dân học vụ số" không chỉ là một phong trào hành chính, mà còn là một cuộc cách mạng nhận thức, mở ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Đây là một bước tiến lớn trong việc xây dựng xã hội học tập và cộng đồng số toàn dân. Phong trào đang từng bước lan tỏa sâu rộng, góp phần tái định hình phương thức học, phương thức sống và phương thức phát triển của cộng đồng trong thời đại mới.