Đây là hoạt động thiết thực nhằm nhìn nhận một cách đầy đủ, khoa học và toàn diện về hệ thống di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên - một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của Thủ đô, từ đó đưa ra những giải pháp khả thi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa bền vững.
Dự Tọa đàm có các đồng chí: Vũ Thị Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Long Biên; Nguyễn Thị Thanh Hằng - Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận và các phường; lãnh đạo Đảng ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Việt Hưng; các ông, bà Trưởng Tiểu ban Quản lý các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên…
Đặc biệt, dự Tọa đàm còn có các nhà khoa học tâm huyết, nghiên cứu về giá trị di sản văn hóa các di tích thờ Linh Lang Đại Vương như: Giáo sư Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu Di sản văn hóa; Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân - Nhà nghiên cứu Hán Nôm; Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Xuân Đính - Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Chi - Viện sử học; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu - Trường Đại học văn hóa Hà Nội; Tiến sĩ Bùi Thế Quân - Phó Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Long Biên; Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc bảo tàng lịch sử Quốc gia; Tiến sĩ Trần Đức Nguyên - Trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…
Đại biểu tham dự Tọa đàm
Những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc
Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, Tiến sĩ Bùi Thế Quân - Phó Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Long Biên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên có 13 di tích thờ Linh Lang Đại Vương, trong đó 11 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, gồm 09 di tích cấp quốc gia và 02 di tích cấp thành phố. Các di tích này không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị vật thể quý báu như kiến trúc đình làng, các bức đại tự, hoành phi, câu đối mà còn là "bảo tàng sống" của đời sống tín ngưỡng dân gian người Việt.
Tiến sĩ Bùi Thế Quân - Phó Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Long Biên báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm
Theo Tiến sĩ Bùi Thế Quân, hệ thống di tích thờ Linh Lang Đại Vương là hiện thân sinh động cho tín ngưỡng thờ thần thành hoàng làng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi lễ hội tại các đình làng gắn với tín ngưỡng này đều mang giá trị thiêng liêng, biểu đạt khát vọng hòa hợp thiên nhiên, cầu mong mùa màng bội thu, quốc thái dân an.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo tồn. Một số lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một bản sắc, các nghi thức gốc dần bị giản lược hoặc biến đổi theo hướng thương mại hóa".
Quang cảnh Tọa đàm
Từ thực tiễn trên, UBND quận Long Biên đã yêu cầu sự cần thiết phải tổ chức Tọa đàm mang tính khoa học ở các khía cạnh: Nội dung đánh giá hiện trạng, điều kiện sinh tồn của di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên; Sự tác động của xã hội đương đại (cả mặt tích cực và tiêu cực) đến di sản văn hóa; Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên trong thời gian tới; Đưa ra các giải pháp thực hiện tổ chức thực hiện…
Nhiều tham luận tâm huyết, nhận diện rõ giá trị di sản
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia uy tín đã có những tham luận sâu sắc, góp phần nhận diện rõ giá trị cũng như đưa ra các khuyến nghị thiết thực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính (Nhà nghiên cứu Dân tộc học) nhận định: "Thần Linh Lang được thờ như hiện thân của rắn - hóa thân dòng nước, biểu đạt tinh thần chế ngự lũ lụt của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ". Ông kiến nghị xây dựng một đề án bài bản bảo tồn toàn diện các yếu tố biểu tượng, nghi lễ, đạo cụ và cả các tour du lịch chuyên đề Linh Lang gắn với không gian sinh thái.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham luận tại Tọa đàm
Tiến sĩ Bùi Thế Quân - Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Long Biên, cho rằng: "Không chỉ mang giá trị tâm linh, các di tích thờ Linh Lang còn là kho tư liệu quý về mỹ thuật dân gian, cần sớm xây dựng đề án quy hoạch tổng thể, từ đó đề xuất đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tăng cường tính pháp lý trong bảo tồn."
Ở góc độ không gian văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Viện nghiên cứu Kinh thành) đưa ra đề xuất táo bạo: "Nên hình thành một tuyến không gian văn hóa tâm linh thống nhất thờ Linh Lang trên địa bàn quận, để tạo sự kết nối giữa các di tích, hình thành sản phẩm du lịch tâm linh có tính hệ thống, hấp dẫn."
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác tư liệu Hán - Nôm tại các di tích: "Những tư liệu cổ này không chỉ cung cấp thông tin lịch sử quý giá mà còn góp phần minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Linh Lang từ thế kỷ XV đến nay, cần được bảo tồn dưới dạng số hóa để dễ dàng tiếp cận và quảng bá".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đánh giá: "Di sản thờ Linh Lang là nguồn tài nguyên văn hóa nổi trội, có khả năng trở thành sản phẩm du lịch chủ lực nếu được đầu tư đúng mức. Việc khai thác phải đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa ‘kinh tế hóa văn hóa’ và ‘văn hóa hóa kinh tế’."
Giáo sư Trần Lâm Biền tham luận tại Tọa đàm
Cùng quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) khẳng định: "Để phát huy giá trị di sản, cần sớm hoàn thiện hồ sơ kiểm kê, tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ số để ‘nghệ thuật hóa’ sân khấu hóa các giá trị văn hóa truyền thống."
Giáo sư Trần Lâm Biền - một tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian - nhìn nhận: "Linh Lang là biểu tượng của tư duy ‘mẹ Tiên cha Rồng’, sự kết tinh hài hòa của truyền thống và huyền thoại dân tộc. Những giá trị này không thể chỉ nhìn ở góc độ lễ hội hay đình làng, mà cần tiếp cận như nền tảng tinh thần của cả một cộng đồng."
Cũng tại Tọa đàm, không chỉ các nhà khoa học, đại diện các địa phương nơi đang trực tiếp gìn giữ di sản cũng có những chia sẻ thiết thực về khó khăn trong công tác tu bổ, tổ chức lễ hội, truyền thông quảng bá. Đặc biệt, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn có sự định hướng và hỗ trợ từ cấp quận để kết nối các di tích, tổ chức giao lưu lễ hội, phục dựng nghi thức truyền thống, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Long Biên.
Bước đi cần thiết và mang tính chiến lược
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định: "Cuộc Tọa đàm hôm nay là bước đi cần thiết và mang tính chiến lược để quận Long Biên tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị to lớn của hệ thống di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn. Đặc biệt, những ý kiến tham luận tại Toạ đàm đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở khoa học cho việc đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận Tọa đàm
Thay mặt lãnh đạo quận Long Biên, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Tọa đàm, đồng thời cảm ơn Đảng ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Việt Hưng, Tiểu ban quản lý di tích Trường Lâm đã tạo mọi điều kiện, phối hợp tổ chức đảm bảo các nội dung Tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng đề nghị ngay sau Tọa đàm, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin tổng hợp các tham luận, bài viết, củng cố và hoàn thiện các hồ sơ liên quan thành bộ hồ sơ khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Đề án "Hiện trạng và giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương trên địa bàn quận Long Biên phục vụ định hướng phát triển Công nghiệp văn hóa trong thời gian tới" và đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thờ Linh Lang Đại Vương là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...
Toàn cảnh Tọa đàm
UBND các phường tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích thờ Linh Lang Đại Vương nói riêng. Đặc biệt việc chuẩn số hóa các di tích, lễ tục thờ Linh Lang Đại Vương.
UBND phường Việt Hưng, Tiểu ban Quản lý di tích Trường Lâm, trên cơ sở khởi đầu thành công của chương trình "Giao lưu trình diễn di sản văn hoá phi vật thể Linh lang - Khí thiêng hội tụ", cần tiếp tục chú trọng tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hoá, thu hút đông đảo khách thập phương đến với di tích, phát triển du lịch văn hoá tâm linh theo hướng công nghiệp văn hoá…
Đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Tọa đàm đã khép lại trong không khí cởi mở, trí tuệ và đầy trách nhiệm. Các ý kiến tham luận, thảo luận đã đặt nền móng khoa học vững chắc cho việc nâng tầm giá trị di sản văn hóa thờ Linh Lang trên địa bàn quận Long Biên. Từ đây, những chính sách bảo tồn có cơ sở thực tiễn hơn, các tour du lịch di sản có thể được xây dựng bài bản hơn và quan trọng nhất, di sản sẽ tiếp tục sống động trong lòng cộng đồng cư dân - như một phần máu thịt của văn hóa dân tộc Việt.