Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024
Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chương Mỹ Trịnh Bá Thường cho biết, năm 2024, huyện đã phải đối mặt với nhiều hình thái thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề. Dù chính quyền địa phương và người dân đã vào cuộc tích cực, quyết liệt, nhưng hậu quả thiên tai vẫn gây thiệt hại nặng, nhất là cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội... Trong năm, huyện ghi nhận 1 người chết, 1 người bị thương; 5.297 hộ dân với gần 24.000 nhân khẩu bị ngập lụt kéo dài; hơn 32.000m² nhà ở và công trình phụ bị tốc mái; 39 phòng học, 13 phòng chức năng tại 27 điểm trường học bị hư hại; 2 cơ sở y tế bị ngập, 8 cơ sở khác hư hỏng; 13 nhà văn hóa cùng 10 công trình di tích bị hư hại...
Bên cạnh đó, bão và lũ đã làm 213 cột điện bị hỏng, gần 11.500 cây xanh bị đổ; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cũng rất lớn với 1.815ha lúa, 420ha rau màu, 786ha cây ăn quả và 31ha rừng bị hư hỏng. Hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai cũng bị tổn hại với 1.070m đê bị nứt vỡ, 800m² kè sụt sạt, hơn 8.500m² kênh mương bị hỏng, 15 trạm bơm hư hỏng một phần, 2.272m bờ sông sạt lở... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 489 tỷ đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng hảo tâm, người dân vùng bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm, từng bước khôi phục sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai. Chính tinh thần đoàn kết, sẻ chia đã giúp địa phương vượt qua khó khăn, hướng tới phục hồi bền vững.
Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ Phạm Văn Hải chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, đề xuất biện pháp giảm tổn thất do thiên tai gây ra năm 2025
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện các cơ quan, địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, đề xuất hàng loạt giải pháp thực tế để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2025, với trọng tâm là nâng cao năng lực tại chỗ, hiện đại hóa cảnh báo sớm và chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, vật tư, nhân lực.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Phạm Quang Đông phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cảnh báo, thời tiết, thiên tai trong các tháng tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn. Vì vậy, huyện Chương Mỹ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các phương án phòng chống thiên tai; xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; đồng thời nâng cao kỹ năng ứng phó và nhận thức cộng đồng về rủi ro thiên tai, không để bị động trong bất kỳ tình huống nào…
Các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 nhận khen thưởng tại Hội nghị
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu yêu cầu các đơn vị, địa phương nhanh chóng xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai năm 2025 sát với thực tế, đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện cũng nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ", tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, chủ động khắc phục, bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.
Tinh thần chủ động, không để bị động trước thiên tai đã và đang trở thành kim chỉ nam trong công tác ứng phó tại Chương Mỹ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, địa phương đặt quyết tâm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, dù thiên tai còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.