Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 01/11/2014 đến ngày 07/11/2014) (22:21 12/11/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Ngày (6/11), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi hợp góp ý cho dự thảo lần I Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) áp dụng trong nội bộ TP Hà Nội”. Đại diện Tổ công tác xác định chỉ số CCHC TP cho biết: Đề án này sẽ giúp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện CCHC, nâng cao nhận thức về CCHC cũng như huy động sự tham gia của người dân và xã hội vào đánh giá kết quả CCHC của các địa phương, đơn vị. Tổ công tác cho biết sẽ tích cực tiếp thu, điều chỉnh dự thảo để ngay trong tháng 12/2014, UBND TP sẽ có quyết định ban hành Bộ chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ TP Hà Nội. Tháng 12, ban hành bộ chỉ số CCHC nội bộ TP Hà Nội (Kinh tế đô thị, 07/11).

Hà Nội hiện đang có khoảng hơn 1.000 nhà chung cư cũ với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu m2. Phần lớn các nhà chung cư được xây dựng từ trước những năm 1980. Đến nay, nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và cảnh quan đô thị. Thời gian qua, chính quyền thành phố đã ban hành các chính sách nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư này. Tuy nhiên, hiệu quả trong quá trình triển khai các chính sách này không cao và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước vấn đề trên, ngày  6-11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chủ trì buổi làm việc giữa UBND thành phố và đoàn công tác của Bộ Xây dựng về công tác kiểm định chất lượng và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.  Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất với UBND thành phố tháo gỡ một số khó khăn về cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa cải tạo chung cư cũ, chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong khu vực nội đô cũ; hướng dẫn thành phố triển khai rà soát tổng thể, chú trọng niên hạn sử dụng, đưa tiêu chuẩn kháng chấn vào xem xét, làm căn cứ kiểm định chất lượng chung cư cũ, lọc ra công trình ưu tiên cải tạo trước. Tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ (Hà Nội mới, 07/11); Hà Nội đề xuất cấp sổ đỏ theo tuổi thọ nhà chung cư (Tiền phong, 07/11);Vướng mắc trong việc nâng cấp chung cư cũ (VTV, 04/11).

Ngày 4-11, UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội công bố Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch chung thị trấn Đại Nghĩa tỷ lệ 1/5.000. Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2030 huyện Mỹ Đức sẽ là trung tâm du lịch - dịch vụ thương mại gắn với cảnh quan môi trường; phát triển không gian theo mô hình phân tán, với đô thị hạt nhân là thị trấn Đại Nghĩa và 3 cụm đổi mới tại các xã An Mỹ, An Phú, Hương Sơn. Công bố quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức (Hà Nội mới, 04/11).

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường). Theo yêu cầu của UBND Thành phố, Văn phòng đăng ký đất đai một cấp phải được thành lập ngay trong năm 2014 và hoạt động trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày 1/1/2015. Được biết trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Hà Nội thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (Đầu tư chứng khoán, 04/11).

UBND TP Hà Nội vừa cho ý kiến góp ý về phương án điều chỉnh quy mô hạng mục cầu vượt tăng cường năng lực giao thông nút giao Phú Thượng. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế cầu vượt đảm bảo mỹ quan, an toàn tuyệt đối cho đê điều, đồng thời bổ sung 2 hầm chui dân sinh để cho người dân khu vực Tây Hồ đi lại thuận lợi. Dự kiến cầu vượt thi công trong khoảng 4-5 tháng. Xây cầu vượt nhẹ rộng 9m tại nút giao Phú Thượng (Diễn đàn đầu tư, 05/11); Điều chỉnh quy mô cầu vượt nút giao thông Phú Thượng (Thời báo ngân hàng, 05/11).

Trước thông tin liên quan đến việc Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về quy hoạch tuyến đường đi qua phường Bồ Đề, quận Long Biên bị nắn cong gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực dự án. Ngày 6/11, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đề nghị UBND quận Long Biên chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức thông tin, làm rõ về quy hoạch và việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường đến các tổ chức, hộ gia đình có liên quan; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời đến cơ quan thông tin, báo chí. Cùng ngày, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND quận Long Biên đều khẳng định tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đê tả ngạn sông Hồng tuân thủ đúng quy hoạch, không có chuyện đường bị "nắn" cong như một số hộ dân phản ánh. Các đồ án quy hoạch đều đã được công bố công khai cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn.  Tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đê tả ngạn sông Hồng: Tuân thủ đúng quy hoạch (Hà Nội mới, 07/11); Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ 'nắn cong' đường qua phường Bồ Đề (Tin tức, 06/11); TP Hà Nội chỉ đạo rà soát quy hoạch "đường cong" trăm tỉ (VTV, 06/11). Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ quy hoạch đường 'dát vàng' (Zing, 06/11).

Ngày 6-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện số 12-CD-UBATGTQG chỉ đạo việc khắc phục hậu quả tai nạn lao động trên công trường thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải chính thức thông tin về vụ tai nạn tại công trình thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo Bộ GTVT, vào 9h15 phút (6/11), trong quá trình cẩu thép để thi công tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông do Xí nghiệp cầu 17 – CIENCO1 thực hiện đã xảy ra sự cố gây tai nạn cho người đi đường. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã đến hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải phóng hiện trường. Bộ GTVT chỉ đạo tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông. Bộ cũng chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu FPC, nhà thầu phụ, tư vấn giám sát, kiểm điểm và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án. Tạm dừng thi công toàn bộ dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội mới, 06/11); Khắc phục hậu quả tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Nhân dân, 07/11); Đình chỉ ngay hoạt động thi công không bảo đảm an toàn lao động (Kinh tế đô thị, 07/11); Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân vụ rơi sắt làm chết người (Hà Nội mới, 06/11).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Ngày 30 và 31/10/2014, UBND TP. Hà Nội đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2014. Một trong những nội dung quan trọng được phiên họp đề cập đến là thông qua Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã thống nhất đánh giá, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 đã đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá, lạm phát được kiểm soát. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2014 ước tăng 8,6% - đạt kế hoạch đề ra là từ 8,5-9% và cao hơn năm trước (năm 2013 là 8,5%). Hà Nội: Tổng sản phẩm năm 2014 ước tăng 8,6% (Lao động Thủ đô, 04/11).

Chợ dân sinh Thành Công sẽ vẫn tồn tại (Hà Nội mới, 05/11). Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND quận Ba Đình tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 4-11 về dự án xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại Thành Công. Việc triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại Thành Công  thực hiện theo Quyết định số 3096/QĐ-UB  của UBND TP từ năm 2007.  Tuy nhiên, Quận Ba Đình xác định sau này vẫn bảo đảm là chợ dân sinh phục vụ nhân dân của phường Thành Công.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được hơn 73.569ha, chiếm trên 96% tổng số diện tích ruộng hiện có. Theo đánh giá, trong gần 2 năm (2012-2014), Hà Nội đã DĐĐT được diện tích đất nông nghiệp rất lớn mà hàng chục năm trước đó chưa làm được. Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm tổ chức triển khai Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, bộ mặt nông thôn Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, Hà Nội đã hình thành một số vùng trồng hoa tập trung có giá trị kinh tế cao tại các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đan Phượng… với giá trị thu nhập từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; một số mô hình cây ăn quả ở các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm…, thu nhập từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; củng cố và phát triển được hơn 700 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư... Hà Nội: Đột phá từ dồn điền đổi thửa (Dân Việt, 03/11).

Tuyến phố Kim Hoa, phường Phương Liên (Đống Đa - Hà Nội) với quần thể di tích cấp quốc gia đình - đền - chùa Kim Liên hiện liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Cả người dân và chính quyền phường Phương Liên đã đồng loạt kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết. Trước đó, tháng 9/2013, UBND quận Đống Đa đã có văn bản 891/UBND-QLĐT kiến nghị Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và mặt đường tuyến phố. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục tình trạng trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng tiến hành, khiến người dân vô cùng bức xúc. Hà Nội: Người dân và chính quyền cùng đề xuất nâng cấp hệ thống thoát nước, "giải cứu" di tích quốc gia (Dân trí, 03/11).

Ngày 8-9-2014, Báo Hànộimới đăng bài "Hàng loạt nhà hàng kinh doanh trên đất của Vườn thú Hà Nội: Vì sao không bị dỡ bỏ?", phản ánh từ nhiều năm qua trong khuôn viên của Vườn thú Hà Nội, đoạn phía bên phố Đào Tấn, tồn tại tình trạng kinh doanh nhà hàng, quán bia, xây nhà kiên cố, chiếm dụng hàng nghìn mét vuông do Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội được giao quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đến nay các nhà hàng trên vẫn hoạt động bình thường trong khi cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý các vi phạm nêu trên. Kinh doanh trên đất Vườn thú Hà Nội: Không thể xử lý vi phạm? (Hà Nội mới, 03/11).

Người dân đang sinh sống tại tổ 57 (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rất bức xúc trước việc phải đi qua một tuyến đường dài trên 300m lát bằng hàng trăm tấm thép gây trơn trượt, nguy hiểm. Đây vốn là đường đất, nhưng từ năm 2003 khi triển khai dự án xây dựng ký túc xá Thăng Long, đơn vị thi công đã lắp ghép hàng trăm tấm thép lên mặt đường để đi lại. Từ đó đến nay con đường này không được cải tạo lại đã bị xuống cấp trầm trọng, có đoạn tấm thép do không chịu nổi sức nặng của phương tiện vận tải nên bị võng xuống tạo thành những ổ gà trên mặt đường, khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Dân bức xúc với đường có một không hai giữa Thủ đô (Giadinh.net.vn, 03/11).

Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, nhiều khu nhà ở, nhà xưởng sản xuất, quán xá, thậm chí cả nhà cao tầng mọc trên đất nông nghiệp, đất cơ đê. Tuy nhiên chính quyền địa phương lại không ngăn chặn, xử lý khiến vi phạm càng tràn lan. Đông Anh (Hà Nội): Vi phạm tràn lan, chính quyền làm ngơ? (Đại đoàn kết, 31/10).

Ngày 13-10-2014, Báo Hànộimới điện tử đăng bài "Hà Nội: Nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng trên bờ sông Nhuệ", phản ánh từ đầu năm đến nay, trên trục chính sông Nhuệ chảy qua địa bàn TP Hà Nội xảy ra 96 vụ vi phạm về Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, trật tự xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính quyền các địa phương mới giải tỏa được 23 trường hợp vi phạm. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện liên quan kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm TTXD, kiên quyết xử lý theo quy định. Kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên bờ sông Nhuệ (Hà Nội mới, 04/11).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Theo đánh giá của Lifehack - website chuyên đưa ra các bình luận, gợi ý giúp con người hoàn thiện bản thân và cuộc sống, Hà Nội là một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới, mà mỗi người nên đến ít nhất một lần trong đời. Theo trang web này, Hà Nội có vẻ đẹp cổ kính của khu phố cổ, các di tích và công trình kiến trúc Pháp. Với hơn 600 ngôi chùa, Hà Nội còn là một điểm đến đặc biệt, có thể thỏa mãn những du khách mong muốn khám phá nét đặc trưng trong truyền thống văn hóa Á Đông. Hà Nội lọt vào top 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa (Hà Nội mới, 03/11), Hà Nội lọt vào tốp 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới (Nhân dân, 4/11).

Quá nhiều cơ sở y tế ngoài công lập vi phạm, nhưng ở một số địa phương còn tỏ ra lúng túng trong quản lý. Vì vậy, tại hội nghị tổng kết công tác thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND TP về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ngày 4/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu ngành y tế và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, TP đã thanh, kiểm tra được 6.883 lượt cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Trong đó, Thanh tra Sở kiểm tra 771 lượt, xử lý vi phạm hành chính đối với 371 cơ sở với tổng số tiền phạt 3,415 tỷ đồng. Kiên quyết chấn chỉnh vi phạm y tế ngoài công lập (Kinh tế đô thị, 05/11).

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 11/2014 đến tháng 9/2015, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với tổ chức quốc tế Helen Keller International (HKI) sẽ tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt cho khoảng 10.000 người từ 45 tuổi trở lên tại huyện Quốc Oai, trong đó những người bị tật lão thị sẽ được trợ giá kính đạt chất lượng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Xây dựng mạng lưới cộng tác viên của các hiệu kính tư nhân thông qua hệ thống chăm sóc mắt dựa vào cộng đồng.” Khám sàng lọc các bệnh về mắt cho 10.000 người tại Hà Nội (Vietnamplus, 06/11).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t