Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 07/9/2014 đến ngày 12/9/2014) (08:21 15/09/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

UBND TP vừa ban hành Đề án về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014). Hoạt động cao điểm kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ là Lễ mít tinh vào sáng 10/10/2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với khoảng 3.500 người tham gia. Trong Lễ mít tinh sẽ kết hợp Công bố các Quyết định và trao nhận Huân chương Hồ chí Minh; Tuyên dương “Người tốt Việc tốt” và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014. Lễ mít tinh sẽ được Đài THVN truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài PTTH Hà Nội và Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.

Ngày 11-9, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014). Theo đó, bắt đầu từ 20-9 sẽ dựng 20 pa nô inox (mỗi cụm thể hiện 2 mặt) trên một số tuyến đường; dựng 3 cụm pa nô tấm lớn giàn không gian tại: nút giao thông Xã Đàn-Hoàng Cầu, khu vực cầu Trắng (quận Hà Đông) và khu vực Bắc cầu Thăng Long. Bên cạnh đó, treo khoảng 3.000 băng rôn dọc phục vụ tuyên truyền với 2 nội dung: Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”.

Hướng tới Ngày Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Tọa đàm về văn học Hà Nội thời kỳ tạm chiếm; Hội sách – Hà Nội thành phố vì hòa bình; Giọng hát hay Hà Nội năm 2014, Nhảy Flashmob trong “Vũ hội công dân toàn cầu; Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”; Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô lần thứ I, năm 2014... 3.500 người tham gia mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (Kinh tế đô thị, 11/9); Dựng nhiều cụm pa nô, mô hình biểu tượng chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô (Hà Nội mới, 11/9); Nhảy Flashmob trong “Vũ hội công dân toàn cầu” (An ninh Thủ đô, 11/9); Giọng hát hay Hà Nội 2014 – Nơi hội tụ của những thương hiệu lớn (Thể thao Việt Nam, 11/9); Hà Nội: Mời 3.500 khách dự lễ kỷ niệm 10/10 (VnMedia, 10/9); Tọa đàm về văn học Hà Nội thời kỳ tạm chiếm (Kinh tế đô thị, 11/9); Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”: Một tiêu điểm văn hóa dịp 10/10 (Kinh tế đô thị, 11/9).

Ngày 10-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn thực hiện một số văn bản của Trung ương và Thành ủy về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 tới đội ngũ cán bộ chủ chốt. Phát biểu tại Hội nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, các cấp ủy đảng cần đầu tư thỏa đáng cho công tác xây dựng dự thảo văn kiện trình đại hội, đảm bảo chất lượng về nội dung và đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị, cần chú ý lắng nghe và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ không nên ngại va chạm, né tránh việc khó (Đại đoàn kết, 11/9).

Ngày 9-9, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến liên quan đến việc đặt tên cầu Nhật Tân và đường nối 2 đầu cầu. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, thực hiện việc đặt tên cầu khi đưa vào khai thác sử dụng đối với công trình xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối 2 đầu cầu. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc đặt tên cầu phải phù hợp với thông lệ đối với các công trình giao thông sử dụng vốn ODA đã hoàn thành trước đây. Cũng liên quan đến đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hầu hết người dân trên địa bàn phường Nhật Tân khi được hỏi đều tỏ ý không tán thành, còn người dân phường Phú Thượng lại hoàn toàn ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật. Thủ tướng cho ý kiến về việc đặt tên cầu Nhật Tân (Hà Nội mới, 9/9); Đổi tên cầu Nhật Tân: Dân Phú Thượng ủng hộ, dân Nhật Tân nuối tiếc! (Dân trí, 09/9).

Sáng ngày 9/9, gần 2.000 thanh niên ưu tú của Thủ đô lên đường nhập ngũ đợt 2/2014, tiếp nối truyền thống cha anh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đợt này, chất lượng tân binh của TP được nâng lên rõ rệt, từ sức khỏe, trình độ đến tinh thần tình nguyện.  Đặc biệt, có đến 833 thanh niên nhập ngũ có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, THCN), chiếm 42,1%. Đạt được kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền các địa phương đều xác định được đây là nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được triển khai sâu sát xuống cơ sở. Hôm nay 9-9, thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ (Hà Nội mới, 09/9);  Nâng cao chất lượng tuyển quân (Kinh tế đô thị, 09/9).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội, tính đến hết tháng 8-2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 1.116.950 tỷ đồng, tăng 6,75% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ tín dụng 917.880 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng 7-2014, giảm 2,88% so với cuối năm. Nợ quá hạn của các TCTD là 61.303 tỷ đồng, chiếm 6,72% trên tổng dư nợ, trong đó khối công ty tài chính có nợ quá hạn lớn nhất (10,67%), còn lại là khối NHTM nhà nước, NHTM cổ phần... Hà Nội: Nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng lên tới 61.303 tỷ đồng (Hà Nội mới, 09/9).

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã ngoại thành rà soát và công khai danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư. Theo đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp với sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức rà soát, tổng hợp và lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư cho kỳ kế hoạch đầu tư 5 năm, kế hoạch đầu tư hàng năm để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư ở ngoại thành theo nội dung Nghị quyết số 07/2013 ngày 12/7/2013 của HĐND Thành phố. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các huyện, thị xã thẩm định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đề xuất trên từng địa bàn, trước khi gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực ngoại thành (Kinh tế đô thị, 06/9).

Ngày 9/9, tại hội nghị thông tin báo chí của Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đang được thi công đảm bảo tiến độ để kết thúc dự án vào tháng 12/2015. Hiện nay, dự án vẫn đang còn một số vị trí còn “vướng” chưa bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư đang đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương tháo gỡ để bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Hà Nội tăng tốc giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên (Vietnamplus, 10/9).

Liên quan đến việc ùn tắc tại tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 thi công trên tuyến đường huyết mạch của thành phố có mật độ giao thông lớn nên việc thu hẹp lòng đường phục vụ thi công làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân và việc lưu thông trên tuyến đường này. Trong quá trình triển khai còn một số bất cập nên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng tổ chức giao thông trực 24/24 giờ trong suốt thời gian thi công các nhà ga trên đường Xuân Thủy - Cầu Giấy. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức giao thông một cách linh hoạt nhất, tạo thuận lợi cho các phương tiện và nhân dân lưu thông qua khu vực này, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng cho người dân và cơ quan tại khu vực thi công. Hà Nội chính thức bỏ lệnh cấm ô tô đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội mới, 09/9);  Hà Nội chính thức bỏ lệnh cấm ô tô đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (Dân trí, 10/9).

Trước những khó khăn trong cải tạo chung cư cũ, TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp trong đó đề xuất cho phép các chủ đầu tư được nâng số tầng khi cải tạo chung cư cũ, song số tầng tăng thêm chỉ được bán cho người dân thuộc 4 quận nội thành. Đề xuất này đang tạo nên nhiều ý kiến lo ngại. Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nâng tầng, chỉ bán cho dân nội thành, có hợp lý? (Tiền phong, 12/9).

Gần như tất cả các nóc khu chung cư cũ hay trên mái nhà của các hộ gia đình ở Hà Nội đều đang bị chồng chất các loại bồn nước với dung tích trung bình từ 500 đến 2000 lít. Điều đáng nói, từ trước đến nay người dân còn chủ quan với việc tự mua rồi tự lắp đặt mà không tuân theo tiêu chuẩn nào. Theo thời gian, các bồn nước này bị hỏng xuống cấp, tiềm ẩn những nguy cơ có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Chỉ riêng khu vực nội thành Hà Nội có hàng vạn bồn chứa nước được lắp đặt trên nóc các khu tập thể cũ. Người dân sinh sống dưới chân những khu tập thể này ví chúng như những "quả bóng nước". Mối nguy từ hàng vạn bồn nước trên nóc nhà tại Thủ đô (Tầm nhìn, 11/9).

47 kiốt được Ban quản lý Dự án nhà ở có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, tại khu vực Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai dựng lên và nhiều người dân đã mất cả trăm triệu đồng để mua. Bên cạnh đó, dư luận còn cho rằng có người phải "bôi trơn" cho một số cá nhân mới mua được kiốt…Tuy nhiên, hiện tại họ đang đứng trước nguy cơ trắng tay do việc xây dựng của chủ đầu tư là trái phép…Về việc này, Tổ trưởng tổ Thanh tra Xây dựng huyện cho biết: Hiện đại diện BQLDA Đại Thanh đã thừa nhận vi phạm và xin được tự tháo dỡ công trình để tránh thiệt hại với thời hạn đến hết ngày 15-9. Còn thông tin tiêu cực liên quan đến việc mua bán kiốt, Công an huyện Thanh Trì đang điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tại Dự án nhà ở Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì): “Nóng” xây dựng trái phép và tiêu cực trong thuê ki ốt (Hà Nội mới, 12/9).

Để phục vụ cho việc tưới tiêu cho đất nông nghiệp và cấp thoát nước cho xã Ninh Hiệp và các địa bàn lân cận thuộc tỉnh Bắc Ninh, từ những năm 1965, chính quyền xã Ninh Hiệp cùng người dân địa phương đã xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của nhân dân. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, do lợi ích kinh tế trước mắt nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã thi nhau lấn chiếm và xây dựng hàng loạt nhà cửa hàng kinh doanh  "đè” trên mặt kênh mương thủy lợi này mà không có xử lí của các cấp chính quyền địa phương. Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội: Chính quyền xã “bảo kê” cho sai phạm? (Đại đoàn kết, 11/09).

Nhiều người dân tham gia giao thông trên quốc lộ 21B (đoạn từ ngã ba Ba La qua địa phận các phường Phú La, Phú Lãm, Phú Lương, quận Hà Đông dài khoảng 2km) bức xúc khi phải chứng kiến cảnh đường sá thường xuyên ngập nước khi trời mưa. Có những trận mưa kéo dài, dọc đoạn đường hình thành nhiều "ao" lớn khiến cả người tham gia giao thông và các hộ dân sống hai bên mặt đường đều rất khổ… Quốc lộ 21B qua địa phận quận Hà Đông: Thành ao vì cống cao hơn đường (Hà Nội mới, 11/9).

Thành phố hiện có 1.918 trạm bơm với 4.334 máy bơm các loại, 3.484km kênh mương, 11.325 cống và 130 hồ chứa. Trong số đó, có tới 75% số công trình thủy lợi xây dựng từ những năm 1970-1990, đã xuống cấp, lạc hậu, kênh mương bị bồi lắng, sạt lở... Tuy vậy, số vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, để hạn chế vi phạm, Chi cục Thủy lợi và các công ty thủy lợi phải tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang công trình thủy lợi với khu dân cư và các công trình khác; đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố để phân loại vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý. Vi phạm tràn lan trên hệ thống công trình thủy lợi: Phải làm rõ trách nhiệm (Hà Nội mới, 08/9).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Ngày 9-9, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có văn bản gửi phòng văn hóa thông tin, trung tâm TDTT các quận, huyện, thị xã trên thành phố yêu cầu kiểm tra các công trình thiết chế văn hóa thể thao bao gồm: Nhà thi đấu, bể bơi, sân vận động, nhà văn hóa, các điểm vui chơi giải trí… (kể cả các công trình không thuộc sự quản lý trực tiếp nằm trên địa bàn các đơn vị). Đây là việc làm cần thiết, nhất là sau khi xảy ra vụ sập một phần trần Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP Hồ Chí Minh) khi đang diễn ra Giải Cầu lông Việt Nam mở rộng 2014 vừa qua. Yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra các công trình thiết chế văn hóa thể thao (Hà Nội mới, 10/9).

Trước thực trạng tại một số di tích, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đang sử dụng hiện vật không đúng quy định, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn 6890/UBND-VX yêu cầu di dời hiện vật không phù hợp ra ngoài khuôn viên di tích, cơ quan đơn vị. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu cầu giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động không sử dụng hiện vật sư tử đá, vật phẩm lạ không đúng quy định, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam để trưng bày tại di tích, danh thắng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Di dời hiện vật không phù hợp ra ngoài khuôn viên di tích (Công thương, 11/9).

Thông tin từ Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ tăng liên tục trong các ngày gần đây. Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, số người khám do đau mắt đỏ đã lên đến 100-120 ca/ngày, thậm chí có ngày lên đến 168 trường hợp. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, khả năng đau mắt đỏ có thể phát triển thành dịch, do đó, Sở đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình, các đơn vị điều trị tăng cường nhân lực, thuốc, vật tư đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân; chú trọng phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hà Nội bùng phát dịch đau mắt đỏ (Kienthuc.net, 11/9); Đau mắt đỏ có thể bùng phát trong trường học, công sở (Thanh niên, 10/9); Ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan (TTXVN, 10/9).

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế học đường năm học 2014-2015. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức điều tra yếu tố vệ sinh học đường tại 90 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác y tế học đường, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường bán trú. Hà Nội sẽ điều tra yếu tố vệ sinh học đường (Đại đoàn kết, 09/9).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t