Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 30/8/2014 đến ngày 06/9/2014) (08:21 15/09/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Hồ hởi bước vào năm học mới, ngày 4 và 5-9, hơn 1,7 triệu học sinh Thủ đô đón lễ khai giảng trong sự quan tâm, động viên của các cấp lãnh đạo. Sáng 4-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Phát biểu tại lễ khai giảng, Tổng Bí thư đánh giá cao những thành tích trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã đạt được trong năm học vừa qua. Đây là động lực để năm học 2014-2015, trường vươn tới những thành tích cao hơn trong sự nghiệp trồng người. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 và khánh thành trường THCS Sài Sơn, Quốc Oai. Cũng trong ngày 4-9, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã gióng hồi trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Chu Văn An. Rộn ràng ngày khai trường (An ninh thủ đô, 05/9).

Ngày 4-9, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, UBND Thành phố đã có công văn số 6563/UBND-KT về việc triển khai nhiệm vụ quản lý và xây dựng đề án phí, lệ phí các tháng cuối năm 2014 gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan tuyên truyền rộng rãi các quyết định thu phí, lệ phí UBND thành phố vừa ban hành thay thế các quy định cũ để người dân biết, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đáng chú ý, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí các điểm trông giữ xe có đủ điều kiện theo thẩm quyền; đồng thời, kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, sai phép, vi phạm ATGT và vi phạm về mức phí trông giữ xe. Hà Nội tăng cường kiểm tra đột xuất các điểm trông giữ xe (Hà Nội mới, 05/9).

Sáng ngày 3/9, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn VSTP số 1 của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn VSTP TP Hà Nội về việc triển khai đợt thanh, kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu 2014. Tại buổi làm việc cũng như trực tiếp đi kiểm tra cơ sở sản xuất, đoàn ghi nhận một số vi phạm trong sản xuất bánh Trung thu tại Hà Nội. Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm việc các phụ gia, nguyên liệu, hương liệu làm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, bao bì được bày bán tràn lan tại khu vực Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân. Nhiều vi phạm trong sản xuất bánh Trung thu (Kinh tế đô thị, 04/9).

HĐND TP. Hà Nội vừa có Báo cáo kết luận đợt giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính sự nghiệp của TP. Hà Nội giai đoạn 2011 - 2014. Báo cáo chỉ rõ: bộ máy một số cơ quan hành chính, nhất là khối đơn vị sự nghiệp vẫn cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, HĐND TP. Hà Nội cũng cho rằng, một số cơ quan, đơn vị đang bị quá tải công việc và đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung số lượng biên chế. Hà Nội xin tăng thêm biên chế: Chất lượng công việc có tăng? (Đại đoàn kết, 05/09).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa cho biết, tổng thu nội địa tháng 8 ước thực hiện 5.062 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm 2014 là 76.487 tỷ đồng, đạt 66,5% dự toán pháp lệnh, tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2013. Thu ngân sách của Hà Nội tăng (An ninh thủ đô, 04/9).

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện mô hình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, sau 3 tháng triển khai, đến ngày 22-8, đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh đăng ký tham gia chương trình với hạn mức cam kết là 17.870 tỷ đồng. Điều đáng nói là, đa số doanh nghiệp được thụ hưởng chương trình là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đúng với đối tượng mà chương trình đã đặt ra. Hà Nội: Cam kết 17 nghìn tỷ đồng tín dụng cho doanh nghiệp (Hải quan, 02/9).

Từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã có 373 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại, tạo nhiều quỹ nhà ở mới phục vụ nhu cầu cải thiện điều kiện ở của người dân, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, qua kiểm tra các dự án khu đô thị, nhà ở cho thấy có rất nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý dẫn đến tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, sinh hoạt của người dân không bảo đảm, những vi phạm không được xử lý triệt để. Báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, công bố các dự án gọi đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định; hướng trọng tâm vào nâng cao diện tích nhà ở bình quân, cải thiện chỗ ở của công nhân, người thu nhập thấp. Khi giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư phải quy định rõ tiến độ xây dựng hạ tầng và trách nhiệm quản lý, vận hành. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bổ sung hạ tầng còn thiếu. Kiểm tra, xử lý sai phạm ngay từ giai đoạn đầu mới phát sinh, kiên quyết thu hồi đất với những chủ đầu tư cố tình vi phạm hoặc chây ỳ nghĩa vụ tài chính. Quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở: Nhiều hạn chế, bất cập (Hà Nội mới, 04/9).

Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện đấu thầu trên 100 gói thầu cung cấp dịch vụ khác nhau về công ích như chiếu sáng, vệ sinh môi trường, duy trì cây xanh, vận hành trạm xử lý nước thải nhằm tiết kiệm cho ngân sách. Được biết, mỗi năm Hà Nội đã chi tới 4.000 tỷ đồng từ ngân sách cho việc cung cấp các dịch vụ công ích như xử lý nước thải, duy trì vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Trong đó ngân sách của thành phố cấp 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách các quận, huyện chi theo phân cấp. Xóa “xin-cho” trong dịch vụ công ích:  Hàng trăm dịch vụ được đề nghị đấu thầu! (Tiền phong, 03/9).

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, Hà Nội có 373 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại. Thế nhưng, qua kiểm tra 352 dự án được giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm. Một thực tế nữa rất đáng lo ngại là việc thẩm định các dự án nhà ở thương mại chưa quan tâm sâu đến sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, các công trình nhà ở chưa đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong khu vực. Nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến nhà ở để bán, dành phần đất chưa giải phóng mặt bằng cho công trình công cộng, giáo dục, y tế… Hà Nội: 352/373 dự án vi phạm về đất đai (Vnmedia, 05/9).

Đầu tháng 11/2008, sau trận lụt lịch sử của Hà Nội, nhà chung cư cũ C1 Thành Công đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào sau hơn 30 năm sử dụng. Trước tình trạng đó, Thành phố đã yêu cầu phải khẩn trương di dời người dân đến nơi ở tạm để xây dựng lại. UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản giao Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) đầu tư dự án nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê cao 17 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn chưa hoàn toàn tìm được sự đồng thuận của các hộ dân tại chung cư nguy hiểm này và việc xây dựng lại tòa chung cư hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ. Hà Nội: Bùng nhùng bồi thường nhà nguy hiểm (Vnmedia, 05/9).

Bỏ tiền tỷ mua chung cư cao cấp, đóng phí dịch vụ hằng tháng mong được sống tại nơi hiện đại và an toàn, nhưng người dân một số khu chung cư cao cấp đang bất an trước nạn trộm cắp “ghé thăm”. Ông Võ Vĩnh Nam, Ban quản lý dự án Phát triển Công trình đô thị (Sở Xây dựng, Hà Nội) cho rằng, việc kiểm soát tình hình an ninh tòa nhà phải có sự hợp tác và ý thức của người dân. Ông Vương Tiến Dũng, Phó trưởng Công an quận Hà Đông thừa nhận, tại một số dự án chưa bàn giao cho ban quản lý thường xảy ra vài vụ trộm cắp vặt. Theo đó, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư. Trộm cắp “ghé thăm” chung cư cao cấp (Tiền phong, 04/9).

Hiện nay, một số tuyến đường trên địa bàn TP. Hà Nội đã có dấu hiệu sụt lún do chắp vá nhựa đường cẩu thả, mấp mô hố ga trên mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Hiện tượng những rãnh cưa xẻ mặt đường, nắp ga cống, cáp ngầm gồ ghề, lồi lõm đang tồn tại ở nhiều đường phố Thủ đô. Không chỉ là nguy cơ, mà đã có không ít tai nạn xảy ra tại những đoạn đường gập ghềnh kiểu này. Hà Nội: Gập ghềnh những con đường “chắp vá” (Xây dựng, 02/9).

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 quy định xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc trước ngày 31-12-2010. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn tồn tại hàng chục lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động, nhả khói khiến hàng trăm hecta cây trồng xung quanh bị ảnh hưởng và thất thu. Vì sao lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động? (Đại đoàn kết, 03/9).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Lâu nay chúng ta vẫn giữ quan điểm cứng nhắc rằng việc bảo tồn là giữ nguyên trạng, nhưng với di sản như phố cổ Hà Nội, giải pháp khả thi nhất là bảo tồn phải hài hòa giữa cải tạo và phát triển. Chia sẻ về tính khả thi của công việc bảo tồn phố cổ Hà Nội hiện nay, GS. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: Bảo tồn một di sản đô thị phải khác với việc bảo tồn một di tích. Một di tích lịch sử hoặc văn hóa thì phải bảo tồn nguyên vẹn, nhưng một di sản đô thị cần phải bảo tồn trong sự kết hợp với phát triển, sự cân bằng với phát triển. Nếu không tính sự phát triển trong bảo tồn thì bảo tồn trở thành vô nghĩa. Trong quá trình quy hoạch bảo tồn phải đảm bảo quyền lợi của người dân, giải bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; đưa ra kế hoạch, chủ trương có tính khả thi cao, thích ứng với nhu cầu người dân đây là những bài học đã chứng minh hiệu quả của nó trong việc giữ gìn di sản ở nước ta thời gian qua như tại Hội An, Huế… Vấn đề của Hà Nội là áp dụng sao cho phù hợp để khu phố cổ vừa là điểm du lịch hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô vừa là nơi sinh sống, làm ăn của những thế hệ người dân nơi đây từ nhiều đời nay. Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần hài hòa giữa cải tạo và phát triển (Tổ quốc, 01/9).

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2014-2015, toàn thành phố có hơn 1,5 triệu học sinh các cấp, theo học tại hơn 2.500 cơ sở giáo dục. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành là 116 nghìn người. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học mới, Hà Nội vẫn giữ nguyên mức học phí các trường công lập như đã thực hiện ở năm học 2012-2013 với mức 40.000 đồng/học sinh/tháng (đối với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị); 20.000 đồng/học sinh/tháng (đối với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn). Hà Nội giữ nguyên mức học phí cho năm học mới (Gia đình, 01/9)



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t