Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khảo sát thực tế tại Nhà máy điện rác Seraphin
Mục tiêu của buổi khảo sát nhằm thu thập thông tin thực tiễn, từ đó nhận diện những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai chính sách, để kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các cơ chế mới phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Amacao, cho biết dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Xanh Seraphin (thuộc Tập đoàn Amacao) làm chủ đầu tư tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, có công suất xử lý 2.250 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày đêm, với công suất phát điện đạt 37Mw, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã hoàn thành toàn bộ hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị, đáp ứng đầy đủ điều kiện để vận hành thử nghiệm. Các thủ tục pháp lý như nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy và cấp giấy phép môi trường đã được hoàn tất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Quỳnh cũng nêu rõ một số khó khăn trong giai đoạn vận hành. Trong đó, nổi bật là việc ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý rác theo hình thức đặt hàng hằng năm gây ra nhiều bất tiện cho doanh nghiệp. Do vậy, Tập đoàn Amacao đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có kiến nghị nhằm kéo dài thời hạn hợp đồng đặt hàng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn và ổn định vận hành.
Bên cạnh đó, một số bất cập về thể chế cũng được đề cập. Theo ông Quỳnh, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành nhưng thiếu sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến tính khả thi chưa cao. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do sự chồng chéo giữa các quy hoạch: từ quy hoạch ngành điện, quy hoạch xây dựng, đến quy hoạch môi trường và sử dụng đất.
Về phía thành phố Hà Nội, Tập đoàn Amacao kiến nghị cần xây dựng phương án phân luồng rác ổn định cho nhà máy. Cụ thể, dự án Nhà máy điện rác Seraphin chỉ có duy nhất nguồn nguyên liệu là rác thải sinh hoạt để đốt và có 2 nguồn thu từ giá xử lý rác do Thành phố chi trả và nguồn thu từ bán điện. Do vậy, tập đoàn mong muốn Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng phương án phân luồng rác về cho nhà máy; bảo đảm tỷ lệ rác đô thị đạt 50% khối lượng tiếp nhận xử lý của Nhà máy để quá trình vận hành ổn định.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, làm rõ thêm về nhiều nội dung liên quan đến các cơ chế, chính sách về môi trường, định mức đơn giá xử lý rác, công tác phân loại rác tại nguồn,...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những thay đổi của Nhà máy kể từ khi đi vào thử nghiệm vận hành xử lý rác thải bằng điện rác. Dự án có công nghệ hiện đại đã "về đích" sớm so với tiến độ đề ra, đã đi vào vận hành thử nghiệm.
Nhấn mạnh rác là nguồn sản sinh kinh tế tuần hoàn, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, Thành phố cũng phải thực hiện cam kết để bảo đảm nguồn rác đầu vào. Vì vậy, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng tham mưu cho Thành phố triển khai thực hiện.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã làm rõ thêm một số ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và cho biết, để thuận lợi cho vận hành nhà máy điện rác cần có sự đồng bộ trong thể chế, chính sách, quy hoạch, đầu tư, vận hành...
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố ghi nhận những ý kiến, kiến nghị này để gửi tới các cơ quan chức năng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.