Dự Hội thảo có Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundo Assomo; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành sở hữu Di sản; các ban quản lý Di sản thế giới tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Di sản không chỉ là ký ức của quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai - một nguồn lực quý giá giúp các cộng đồng định vị bản sắc văn hóa, củng cố sự gắn kết xã hội và tạo động lực cho phát triển sáng tạo. Tuy nhiên, các giá trị Di sản - cả văn hóa và thiên nhiên - đang đứng trước nhiều nguy cơ: biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, không chỉ để lưu giữ những giá trị của quá khứ, mà để xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là "Thành phố di sản" với các Di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những Di sản đã được UNESCO vinh danh… Thành phố Hà Nội xác định "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững", trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các Di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thành phố Hà Nội mong muốn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ với nỗ lực của Thành phố trong việc phát huy giá trị, bảo tồn di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Đó là: Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Mỗi di sản là một kho tàng quý báu, kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa và sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.
Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị Văn hoá Toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.
Thực hiện: Minh Thu - Minh Quốc