Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch của Thành ủy và Phong trào "Bình dân học vụ số" tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tinh thần sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực.
Nội dung tuyên truyền
1. Tuyên truyền tập trung quán triệt sâu rộng các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Hướng dẫn số 10-HD/BTGDVTU của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vai trò tiên phong của Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết. Đẩy mạnh Phong trào "Bình dân học vụ số".
2. Tuyên truyền sâu rộng những nội dung cốt lõi và giá trị nền tảng của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW: Bối cảnh, lý do ban hành Nghị quyết; mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045. Chính sách phát triển thể chế, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng hạ tầng số, đổi mới quản lý.
3. Tuyên truyền về vai trò của Thành phố trong thực hiện Nghị quyết: Mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Thúc đẩy chính quyền số, thành phố thông minh, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Nêu bật các mô hình, cá nhân điển hình ứng dụng thành công.
4. Tuyên truyền những cơ hội và thách thức trong công cuộc chuyển đổi số: Chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn nhưng đi kèm yêu cầu cao về năng lực, đầu tư và an toàn thông tin. Cần truyền thông để người dân, doanh nghiệp chủ động thích ứng.
Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức và kênh truyền thông: Phối hợp hiệu quả giữa báo chí truyền thống, mạng xã hội, truyền thông cơ sở, hình ảnh, video, infographic, podcast... để tiếp cận đa đối tượng. Cụ thể: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nền tảng số, môi trường mạng và hệ sinh thái số của Thành phố; trên hệ thống thông tin cơ sở; trực quan và hoạt động thực tiễn; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội và tổ chức sự kiện số, giao lưu trực tuyến về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo,
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp kết quả tuyên truyền; các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương: Tuyên truyền trên cổng thông tin; lồng ghép trong hoạt động thường xuyên; phối hợp báo chí và khen thưởng mô hình hiệu quả; Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn, hội thảo, hỗ trợ doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu đổi mới, phát động các giải thưởng chuyển đổi số; Văn phòng UBND Thành phố công khai thông tin chính sách trên mạng; phát triển nội dung truyền thông đa phương tiện, lan tỏa trên mạng xã hội.
UBND Thành phố yêu cầu nội dung tuyên truyền cần bám sát thực tiễn, thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên địa bàn Thành phố. Làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và phát triển công nghệ. Hình thức tuyên truyền cần đổi mới, ứng dụng công nghệ số để tiếp cận hiệu quả truyền tải thông tin đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân.
Công tác truyền thông cần được tổ chức kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số, truyền thông cơ sở, hệ thống tuyên giáo, hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền trực quan, trực tuyến và các hoạt động thực tế để nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả thực hiện.