Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 11/01/2016) (13:50 12/01/2016)



Những nội dung trọng tâm:
1. Thời sự, chính trị


Chào năm mới 2016, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dành cho báo giới Thủ đô cuộc trao đổi về những mục tiêu, giải pháp lớn mà Hà Nội đang quyết tâm thực hiện trong năm tới. Theo Chủ tịch Thành phố, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên phải luôn phấn đấu và gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Nhân dịp  năm mới 2016, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch cũng gửi lời chúc tới toàn thể nhân dân Thủ đô một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Thủ đô phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào (Lao động Thủ đô, 5/1)

Ngày 4/1/2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng sẽ diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Bộ Chính trị chỉ đạo bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (Kinh tế Đô thị, 4/1)

Ngày 8.1, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt Thành phố phổ biến, quán triệt nhanh các văn kiện Hội nghị Trung ương 13 (Khóa XI). Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trực tiếp là lãnh đạo các địa phương, cơ quan đơn vị phải bắt tay ngay vào việc chỉ đạo triển khai tổ chức phổ biến, quán triệt nhanh, kịp thời và có hiệu quả các văn kiện Hội nghị Trung ương 13 (khóa XI). Các cấp, các ngành, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cần có kế hoạch quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô Nghị quyết của Trung ương. Quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 13 (Khóa XI) (Lao động Thủ đô, 09/1).

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, dự báo nhu cầu giao thông đi lại ở Hà Nội sẽ tăng mạnh tới 65%, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng 10-20%... kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn cũng sẽ gia tăng. Ngày 9-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tại TP Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã lên kế hoạch chi tặng quà Tết cho người nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố với kinh phí lên tới 400 tỷ đồng, nhằm mục tiêu cao nhất là cố gắng đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn. Về công tác chống hàng lậu, giả, pháo nổ cũng đã được Thành phố chỉ đạo quyết liệt ngay từ tháng 10-2015, kiên quyết không để xảy ra pháo nổ trong ngày Tết. Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, Thành phố đã chỉ đạo các hãng xe liên tỉnh bố trí tăng cường xe vận chuyển khách, huy động 500 sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân để tăng cường, hỗ trợ cho CATP làm nhiệm vụ, cố gắng hạn chế tối đa các điểm ùn tắc giao thông, kiên quyết không để điểm nào ùn tắc quá 30 phút… Nỗ lực tối đa để người dân Thủ đô được đón Tết vui tươi, an toàn (An ninh Thủ đô, 10/1).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Theo Sở  LĐ-TB&XH cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân tại Hà Nội cao nhất là 100 triệu đồng/người, thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các khối doanh nghiệp khác có mức thưởng tết cao nhất từ 20-40 triệu đồng. Báo cáo tình hình thưởng tết tại Hà Nội được tổng hợp từ 1.000 doanh nghiệp thuộc địa bàn Thành phố. Mức thưởng Tết tăng so với năm trước khoảng 15%. Đây là nỗ lực trong điều kiện các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong kinh doanh, sản xuất. Hà Nội thưởng tết cao nhất 100 triệu đồng (Tuổi trẻ, 10/1).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm qua, Thành phố đã cấp hơn 43.000 sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn đọng gần 216.000 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Trong đó có 63.255 thửa đất các hộ gia đình chưa thực hiện kê khai đăng ký; 144.011 thửa đất vướng mắc khó khăn bởi các quyết định của các cơ quan nội chính; 8.700 thửa đất của các tổ chức sử dụng đất vướng mắc sắp xếp cơ sở nhà đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội còn tồn đọng gần 216.000 thửa đất chưa có sổ đỏ (VietnamPlus, 6/1)

Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã huy động được 53.787 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Bằng nguồn vốn trên, 100% đường liên xã, trục xã, 95% đường liên thôn, trục thôn đã được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; 90% trở lên đường ngõ xóm được cứng hóa đáp ứng quy định không lầy lội về mùa mưa; 80% đường trục chính nội đồng được cứng hóa bằng bêtông ximăng, cấp phối. Hà Nội huy động gần 54.00 tỷ đồng phát triển hạ tầng nông thôn (VietnamPlus, 6/1).

Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông của Thành phố chậm phát triển thì số lượng ô tô, xe máy trên địa bàn Thành phố không ngừng gia tăng chóng mặt mỗi ngày đã khiến nhiều tuyến đường của Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài. Theo thống kê, bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Như vậy, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 630 xe máy và 230 ô tô được đăng ký mới. Mỗi ngày Hà Nội có thêm gần 1.000 ô tô, xe máy mới ... "ra đường" (Infonet, 6/1)

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đề nghị các đơn vị đăng ký danh sách công nhân, người lao động, sinh viên có nhu cầu về quê trong dịp Tết Bính Thân để đơn vị bố trí xe đón. Đây là hoạt động được Sở GTVT và các đơn vị phối hợp thực hiện nhiều năm nay để hạn chế ùn tắc tại các bến xe, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, công nhân về quê đón Tết vui tươi, lành mạnh. Bố trí xe đưa công nhân, sinh viên về quê ăn Tết (Kinh tế đô thị, 5/1).

Để bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hành khách dịp Tết, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, tăng cường xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm tại các bến xe dịp Tết 2016 và lễ hội xuân. Các đơn vị kiểm soát chặt giá vé, bằng việc đổi mới phương thức bán vé, áp dụng bán vé qua mạng internet, ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, bảo đảm thuận lợi, an ninh, an toàn, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách vào dịp cao điểm. Nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết (Quân đội ND, 11/1).

Trước thực trạng số vụ vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố thời gian qua, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã phải thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm trễ, gây khó khăn trong việc cấp phép, điều chỉnh nội dung giấy phép không đúng quy định. Xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng (An ninh Thủ đô, 7/1).

Để từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương xác định danh sách các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố để khắc phục. Theo kế hoạch, UBND Thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho 20 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của các khu thu gom xử lý nước thải tập trung; xây dựng khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình…Ngoài ra, ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận trong năm 2016. Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí cho 20 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (VietnamPlus, 7/1).

3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục

Theo Chỉ số thành phố hạnh phúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên của MasterCard công bố mới đây, Hà Nội xếp thứ 4 với 71 điểm. Hà Nội đạt điểm số “Sự thỏa mãn cuộc sống” cao thứ nhì với 73.3 điểm, chỉ đứng sau thành phố Mandalay của Myanmar với 84,9 điểm. Trong các hạng mục “Sự an toàn từ những đe dọa”, “Công việc và Tài chính” Hà Nội đứng thứ 5 và thứ 6 với 64,3 và 75,7 điểm tương ứng. Đối với hạng mục cuối cùng “Hạnh phúc cá nhân”, Hà Nội đạt 70,9 điểm, đứng thứ 5 trong toàn khu vực. Hà Nội trong top 4 thành phố có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực (Tuổi trẻ Thủ đô, Chính phủ, VietnamPlus, 6/1)

Ngày 8/1, báo Lao động đăng tải bài viết gây xôn xao dư luận về việc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội để lọt rác thải y tế ra thị trường. Trước thông tin trên, Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện Bạch Mai báo cáo sự việc. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hình ảnh trên báo Lao động là hoạt động tiến hành nghiên cứu đề tài quy trình xử lý rác thải lây nhiễm thành rác thải y tế không lây nhiễm của Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn tại Bệnh viện. Tuy nhiên, đề tài này hiện chưa được phê duyệt. Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không để lọt rác thải y tế ra môi trường (Vtv, 09/1).

UBND Thành phố vừa ban hành quyết định quy định về mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân TP Hà Nội. Theo đó, mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành thị của Hà Nội được điều chỉnh lên mức 60.000 đồng/học sinh/tháng (thay cho mức 40.000 đồng/học sinh/tháng hiện nay); mức học phí đối với học sinh tại các trường khu vực nông thôn là 30.000 đồng/học sinh/tháng; mức học phí đối với học sinh tại các trường trên địa bàn các xã miền núi là 8.000 đồng/học sinh/tháng. Hà Nội áp dụng mức học phí mới từ năm 2016 (Hà Nội mới, 09/1).

4. Thông tin của Thành phố phản hồi trên báo chí

Sau khi Báo CAND có bài viết “Cận cảnh dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ tại Hà Nội: “Chưa hoàn thiện đã… xuống cấp” và “Lãng phí và kém hiệu quả”, ngày 29-12, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có văn bản gửi Báo CAND trao đổi một số thông tin liên quan đến hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Liên quan đến lộ trình xe buýt nhanh chỉ cắt khúc tuyến đường từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, Sở GTVT cho biết: Quá trình lập, thẩm định để phê duyệt hồ sơ thiết kế đều có sự tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới và của Chính phủ Việt Nam. Về tiến độ triển khai các hạng mục BRT, đến thời điểm hiện nay, các hạng mục xây dựng hạ tầng tuyến đang được gấp rút triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I năm 2016. Viết tiếp bài báo “Cận cảnh dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ tại Hà Nội”: Khi ‘nhà nghèo vung tay’ hàng chục triệu USD (Công an nhân dân, 6/1).

Trước ý kiến của người dân Thủ đô về 20 bông hoa vừa được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội (VHTT) lắp đặt tại đài phun nước thuộc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho rằng đây loài hoa “lạ”, không biết là hoa gì, không phù hợp với Hà Nội…ngày 10/1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở VHTT xem lại và điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân Thủ đô và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Sở VHTT đã cho tháo dỡ công trình, đưa về xưởng điều chỉnh cho phù hợp, sau đó mời các chuyên gia xem xét, đóng góp ý kiến lần cuối trước khi lắp đặt. Sở VHTT Hà Nội: Hoa “lạ” tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là hoa tóc tiên (Lao động, 10/11).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t