Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 18/11/2015 đến ngày 25/11/2015) (14:34 27/11/2015)



Những nội dung trọng tâm:
1. Thời sự, chính trị


Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, những năm gần đây, tình hình tham nhũng trên phạm vi cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. Trong nhiệm kỳ  2010-2015, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã giám sát 24.121 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 3.393 đảng viên (trong đó, 938 trường hợp là cấp ủy viên các cấp, chiếm 27,64% số đảng viên bị thi hành kỷ luật). Tuy nhiên, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm minh”, trong nhiệm kỳ qua, công tác phòng chống tham nhũng của Thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực. Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần vào giữ vững ổn định tình hình chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân. 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngăn chặn tham nhũng (An ninh Thủ đô, 18/11).

Tối ngày 23/11, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO). Được thành lập từ ngày 16/11/1945, UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp quốc. Việt Nam trở thành thành viên của UNESCO năm 1976 và kể từ đó đến nay, UNESCO đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua mạng lưới và các tổ chức của mình cho đến khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam tháng 9 năm 1999. Những thành tựu hợp tác với UNESCO đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong số hàng nghìn di sản vật thể và phi vật thể còn tồn tại và lưu truyền trong cuộc sống đương đại hôm nay, Hà Nội vinh dự được UNESCO vinh danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, bia tiến sỹ triều Lê - Mạc (1442- 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới; hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Hà Nội cũng vinh dự là thành phố duy nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO tại Hoàng thành Thăng Long (Tin tức, 23/11).

Ngày 24/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật giám định tư pháp. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn khẳng định: Đến nay, nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp, của giám định viên tư pháp, của người giám định tư pháp và vụ việc trên địa bàn Thành phố đã được nâng lên; hoạt động giám định tư pháp về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra truy tố xét xử, kết luận giám định tư pháp đáp ứng được tiến độ, chất lượng, nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan điều tra truy tố xét xử, xử lý vụ việc khách quan, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… Hà Nội: Giám định Tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng (Pháp luật Việt Nam, 25/11).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Theo Cục Thống kê, ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố tháng 11 đạt 993 triệu USD, giảm 5% so tháng trước và tăng 19,7% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 5,4% so tháng trước và tăng 21% so cùng kỳ. Một số mặt hàng có tốc độ tăng khá cao so cùng kỳ là nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 8%; hàng dệt may tăng 15,3%; giày dép và các sản phẩm từ da tăng 9,2%. Nhóm hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là xăng dầu giảm 20,1%, hàng thủ công mỹ nghệ giảm 10%. Hà Nội: Xuất khẩu tăng 3,1% (Kinh tế đô thị, 22/11).

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ ngày 20/12/2014 - 13/11/2015,  đơn vị đã tiến hành kiểm tra, xử lý tổng số 2.084 vụ hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), với tổng số thu trên 71 tỷ đồng. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả chính ngạch và tiểu ngạch. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách... công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh. Xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái (Lao động Thủ đô, 24/11).

UBND TP. Hà Nội vừa quyết định về việc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn năm 2015. Theo đó, đối tượng áp dụng trong quyết định này là các DN có dự án đầu tư trên địa bàn TP. Hà Nội thuộc một số lĩnh vực như: DN sản xuất phẩm dược được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; DN sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; DN sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu có doanh thu năm 2014 đạt tối thiểu 100 tỷ đồng. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tối đa là 12 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất tiền vay đầu tư được áp dụng đối với các khoản vay phải trả lãi vay trong thời gian từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2015. Hà Nội hỗ trợ lãi suất cho DN có doanh thu 100 tỷ (Hải quan, 24/11).

Theo Sở Công Thương, dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2016 sẽ có các hoạt động bình ổn giá phục vụ nhân dân, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức các Hội chợ Xuân trên địa bàn tập trung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như hàng nông sản thực phẩm, quần áo, may mặc, thời trang, hàng gia dụng, hoa cây cảnh, sản phẩm truyền thống phục vụ Tết. Dự kiến, có 1.164 điểm bán hàng; 12 phiên chợ Việt, 9 tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động sẽ diễn ra trên địa bàn Thành phố. Để cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân Thủ đô, Sở Công Thương cũng đã dự kiến tổng lượng hàng hoá phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016 trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự kiến trên 15.000 tỷ đồng hàng hoá phục vụ Tết 2016 (Chinhphu.vn, 17/11).

Liên quan đến việc thực hiện triển khai kế hoạch phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn, theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến ngày 20/11/2015, 82/484 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội đã bán xăng E5, chiếm 17% tổng số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trong đó, chủ yếu là các cửa hàng thuộc các thương nhân đầu mối và 10 cửa hàng thuộc thương nhân phân phối. Theo kế hoạch, đến ngày 30/11/2015, xăng sinh học phải được phân phối tại ít nhất 50% cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp đầu mối, phân phối. Từ ngày 1/1/2016, triển khai phân phối xăng E5 tại 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu sở hữu hoặc đồng sở hữu của doanh nghiệp đầu mối, phân phối, giảm dần tỷ lệ sử dụng xăng RON 92. Đối với doanh nghiệp có 2 cửa hàng trở lên, yêu cầu có ít nhất 1 cửa hàng bán xăng E5. 100% trạm xăng Hà Nội sẽ bán xăng sinh học E5 (An ninh Thủ đô, 24/11).

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại phường Xuân Phương, tỷ lệ 1/500, quận Nam Từ Liêm. Quy mô dân số dự kiến khoảng 5.800 người. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có phía Bắc giáp đường nối từ đường vành đai 3 tới Mỹ Đình - Xuân Phương; phía Nam giáp khu vực Trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội số 5 Hà Nội và Trại tạm giam số 1; phía Đông giáp tuyến đường ven sông Nhuệ và hành lang bảo vệ sông; phía Tây giáp tuyến đường sắt Quốc gia. Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Xuân Phương (VnMedia, 21/11).

Theo quy hoạch đô thị, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị nhưng mới chỉ có 3 dự án đang được triển khai trên thực tế, các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn nằm chờ, mặc dù tất cả các dự án đều sử dụng vốn vay nước ngoài, có thời hạn. Nhìn nhận việc chậm trễ tiến độ các dự án ĐSĐT có nguyên nhân chủ yếu do phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ GTVT- Nguyễn Hồng Trường khẳng định, sẽ báo cáo Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, bù lại tiến độ đã bị chậm. Đường sắt đô thị: Vẫn chậm tiến độ và đội vốn "khủng" (An ninh Thủ đô, 22/11).

Theo Sở Xây dựng, thực hiện Chỉ thị số 01/2014/CT-UBND ngày 02/01/2014 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, trong năm 2015, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Tổng Cty Điện lực Hà Nội về thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố. Kết quả, đã tổ chức thanh thải, sắp xếp, bó gọn các dây cáp, dây thông tin đi nổi các cột chiếu sáng tại 94/95 tuyến phố theo kế hoạch thanh thải 6 tháng đầu năm. Tổ chức thực hiện 9/115 tuyến phố trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, trong đó nhiều tuyến đường, tuyến phố có khối lượng thanh thải lớn, thi công khó khăn phức tạp như phố Minh Khai, Nguyễn Chính, Mai Hắc Đế... Hà Nội: Những chuyển biến tích cực trong “Năm trật tự và văn minh đô thị” (Xây dựng, 25/11).

Thông xe từ tháng 10/2010, đại lộ Thăng Long được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, gồm 2 dải đường cao tốc 3 làn xe, 2 dải đường đô thị, 2 làn xe cơ giới, 2 đường hầm và 13 cầu vượt ngang. Tuy nhiên, đến nay giao thông tại 2 dải đường đô thị rất lộn xộn, nguy hiểm do các loại phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, công nông... thản nhiên đi ngược chiều bất kể giờ giấc. Thậm chí người dân để trâu, bò tự do đi lại giữa đường khiến nguy cơ tai nạn xảy ra bất kể lúc nào. Bi hài trâu bò lên đại lộ ngàn tỷ “tập thể dục” ở Hà Nội (VTCNews, 17/11).

Hiện nay ở Hà Nội, biển hiệu của nhiều công ty, đơn vị bị mất chữ, thiếu nét gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều người chứng kiến sẽ không khỏi giật mình về sự lạ lùng ấy. Nhưng ẩn chứa đằng sau nó là sự thiếu ý thức của nhiều người đối với những tài sản công cộng. Mặc dù nhiều nơi đã lựa chọn phương pháp sử dụng biển hiệu mica hoặc phủ mica, tuy nhiên phương pháp này không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Vì vậy vấn đề đặt ra đó là ý thức bảo vệ tài sản công của mỗi cá nhân cần được thay đổi ra sao để làm đẹp cho Thủ đô. Những biển hiệu dở khóc dở cười (Xây dựng, 22/11).

3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục

Từ lâu, những tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được coi là di sản văn hóa vô giá. Không chỉ là những tấm bia ghi danh những người đã đỗ đạt, những bậc hiền tài, đó còn là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, những áng văn chương mẫu mực thể hiện tư tưởng triết học, sử học, quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Ngày 23/11, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia 82 bia Tiến sĩ. Trước đó, năm 2010, 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã từng được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, 82 bia Tiến sĩ tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu. 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu trở thành Bảo vật quốc gia (An ninh Thủ đô, 24/11).

Ngày 24/11, tại Hội nghị giao ban thông tin báo chí Thành ủy, Sở Y tế cho biết, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 24/11, toàn Thành phố ghi nhận 10.447 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Chỉ riêng 5 quận, huyện này đã chiếm tới 64,4% số ca sốt xuất huyết. Trước tình hình gia tăng của dịch sốt xuất huyết, ngoài kinh phí thường xuyên, năm nay UBND TP Hà Nội đã cấp bổ sung hơn 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng nhằm đảm bảo đủ hóa chất, thuốc men, trang thiết bị, nhân lực cho ngành y tế chống dịch. Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn không ngừng tăng (Đời sống pháp luật, 25/11).

Theo Sở Y tế, để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, trong năm 2015, ngành y tế Hà Nội đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, trong đó có 25 bệnh viện và 1 trung tâm y tế huyện. Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người đến hỗ trợ là 37 đơn vị (gồm 22 bệnh viện, 15 trung tâm y tế). Tổng số người đang thực hiện luân phiên là 64 bác sỹ, 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên... Cùng với việc cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới, trong giai đoạn 2010-2015, thành phố Hà Nội cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển hệ thống y tế, trong đó nhiều bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thành phố Hà Nội tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở (Vietnamplus, 22/11).

Ngày 18/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo VIệt Nam 20-11, tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu Thủ đô năm 2015. Hà Nội hiện có 120 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục. Bằng những cống hiến của mình, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã góp phần đưa ngành giáo dục Hà Nội đạt được những kết quả toàn diện. Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các đơn vị trên địa bàn Thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm và tuyên dương khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến… trong ngành giáo dục Thủ đô như quận Hai Bà Trưng, quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thị xã Sơn Tây…Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô (Nhân dân, 22/11).



Latest news

Other news

  Next >>

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t