Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 21/9 đến ngày 28/9/2020 (16:19 30/09/2020)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày ngày 21/9 đến ngày 28/9/2020, như sau:

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành chung

Tuần qua (21/9-28/9/2020), UBND Thành phố đã tiếp nhận, xử lý công việc tại 1.406 văn bản hành chính nhà nước; tiếp nhận mới 61 hồ sơ thủ tục hành chính có thời hạn trả kết quả (đã hoàn thành và trả kết quả 49 hồ sơ; đang giải quyết 12 hồ sơ). Tiếp 106 lượt công dân (183 người); tiếp nhận 215 đơn khiếu nại, tố cáo; đã xử lý: 212 đơn. Các đồng chí Lãnh đạo UBND Thành phố đã phê duyệt 800 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, cụ thể:

- Lĩnh vực kinh tế: chỉ đạo tiếp tục tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ. Triển khai Chương trình xúc tiến thương mại, nông nghiệp 3 tháng cuối năm 2020. Ban hành các quyết định: điều chỉnh giảm danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung của Thành phố; định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội; kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

- Lĩnh vực đô thị: chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng công trình trường học, đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ban hành các quyết định: phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế huyện Thanh Oai; giao đất, thu hồi đất; giải quyết khiếu nại/giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại của công dân. Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại/không giải quyết lại tố cáo của công dân. Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 29/6/2016, của Thành ủy về Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại, giai đoạn 2016 - 2020.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Phê duyệt danh sách người nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại Hà Nội. Chỉ đạo phương án cách ly các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Hà Nội. Thực hiện hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ. Ban hành các quyết định: phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2020 - 2021 cho một số bệnh viện thuộc Thành phố; tổ chức gắn biển địa điểm lưu niệm các sự kiện: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm phát động phong trào Gió Đại Phong tại đình Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì; Bác Hồ về thăm và chỉ đạo chống lụt tại kè Thịnh Thôn năm 1958 xã Cam Thượng, huyện Ba Vì; công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia tại các quận, huyện thị xã. Phê duyệt Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Báo cáo tổng kết Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 -2020.

- Lĩnh vực nội chính: tổ chức khảo sát, đo lường hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2020. Ban hành các quyết định: công bố danh mục TTHC, TTHC bị bãi bỏ lĩnh vực đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

II. Một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật

5 năm (2016-2020), GRDP Thành phố ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đề ra

Báo cáo Thành ủy tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, Ban Chỉ đạo Chương trình báo cáo tổng kết một số nội dung thực hiện như sau:

Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy đề ra 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự kiến kết quả thực hiện như sau: 01 Chỉ tiêu chính và 01 Chỉ tiêu thành phần đã đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 02 năm): (1) Số lượng khách du lịch hàng năm (Kế hoạch năm 2020 đạt 18 triệu lượt, trong đó 4,1-4,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2018 đã đạt 26,3 triệu lượt khách, trong đó, 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 đạt 28,94 triệu lượt, trong đó, 7,03 triệu lượt khách quốc tế); (2) Chỉ tiêu thành phần “Xếp hạng chỉ số PCI” (Kế hoạch năm 2020 đạt tốp 10/63; năm 2019 đạt 9/63). 02 Chỉ tiêu vượt kế hoạch: (1) Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (Kế hoạch năm 2020 là 20%; thực hiện đạt khoảng 12,8%); (2) Năng suất lao động xã hội tăng bình quân (Kế hoạch tăng bình quân 5,44%-5,87%/năm; thực hiện đạt 6,15%/năm). 08 Chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra. 01 Chỉ tiêu thành phần dự kiến không đạt: Chỉ tiêu thành phần về "Xếp hạng chỉ số PAPI" (Kế hoạch đề ra xếp hạng đạt tốp 10/63; năm 2019 đạt 41,53, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố).

1. Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

a. Cải cách hành chính (CCHC): Công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện tại các cơ quan, đơn vị, tạo được chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bản Thủ đô. Năm 2019, chỉ số CCHC (PAR Index) của Thành phố giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 07 bậc so với năm 2015; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc so với năm 2017.

b. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): giai đoạn 2016 - 2019, Thành phố đã ban hành 76 quyết định công bố TTHC với nhiều TTHC được cắt giảm chi phí, điều kiện, thời gian giải quyết, công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; đơn giản hóa 315 TTHC, chuẩn hóa 658 TTHC và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 97,33%.Triển khai hệ thống phần mềm dùng chung lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tới 584/584 xã, phường, thị trấn; đến nay tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 93%.

c. Cải cách bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã tinh giản được 1.492 biên chế; giảm 6.635 biên chế do chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên; đã giải quyết 716 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo, được Chính phủ trình Quốc hội và đã được thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của Hà Nội”.

d. Hiện đại hóa nền hành chính: Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT - truyền thông; 100% sở ban ngành, quận huyện, xã phường được kết nối mạng WAN; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 100%.

e. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Trong 05 năm (2016-2020), Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 02 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiện lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Với mục tiêu "đến năm 2020, Chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước", Kết quả chỉ số PCI năm 2019 đã đạt mục tiêu của Thành phố đã đề ra. Năm 2019 là năm đầu tiên Chỉ số PCI của Hà Nội có tới 9/10 chỉ số thành phần tăng hạng và giữ nguyên mức xếp hạng (trong đó, có 8/10 chỉ số thành phần tăng hạng và 01 chỉ số thành phần giữ nguyên mức xếp hạng). Có 4/10 chỉ số thành phần tăng trên 10 bậc (từ 12 bậc đến 19 bậc).

g. Hỗ trợ doanh nghiệp: Tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%; kê khai thuế điện tử 98,2%; hải quan điện tử 100%; bảo hiểm xã hội 98,3% đối với các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 14 ngày…
2. Về đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ Đô bảo đảm phát triển nhanh, bền vững

- Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới): bình quân 4 năm 2016-2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,93%) và cùng kỳ cả nước (6,72%); quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; GRDP bình quân đầu người 119,65 triệu đồng, tương đương 5.160 USD. Tính chung 5 năm (2016-2020), GRDP ước tăng 7,39% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 7,3-7,8%); GRDP/người đạt 127,6 triệu đồng, tương đương 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

- Chú trọng khuyến khích ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ: đã đưa vào vận hành Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội; tiếp nhận 28 hồ sơ dự án/ý tưởng, trong đó, 14 dự án được tiếp nhận vào giai đoạn ươm tạo chính thức. Khai trương Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội tại địa chỉ StartupCity.vn, tạo môi trường kết nối khởi nghiệp. Trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 9.700 doanh nghiệp CNTT, tăng trưởng bình quân 31,6%/năm. Doanh thu CNTT đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD (cả phần cứng và mềm), chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu; lao động trong lĩnh vực CNTT đạt hơn 160 nghìn người, tăng 12,8%.

Tập trung giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn được giao

Ngày 16/9/2020, đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực - Phụ trách UBND Thành phố đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020, một số dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025. Sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tổng hợp ý kiến phát biểu của các đại biểu sở, ngành, ý kiến của 02 đồng chí Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực - Phụ trách UBND Thành phố thống nhất kết luận một số nội dung sau:

1. Về việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020: Yêu cầu các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các chủ đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố rà soát lại tiến độ các dự án, khả năng thực hiện, giải ngân; chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất số liệu, hoàn chỉnh phương án điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 đảm bảo khả thi, phấn đấu giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn được giao.

2. Về danh mục dự án đầu tư năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025:

- Yêu cầu các ban quản lý dự án chủ động phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất danh mục các dự án cấp bách, dự án trọng điểm để tổ chức lập, trình duyệt ngay chủ trương đầu tư, chuẩn bị cho kế hoạch 2021. Đối với dự án còn lại, các Sở chuyên ngành phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư sắp xếp theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở đề xuất đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp danh mục dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, phối hợp với các Sở chuyên ngành chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, thuyết minh, báo cáo UBND Thành phố.

3. Việc giao chủ đầu tư các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Thành phố phải phù hợp với chuyên ngành, chức năng, nhiệm vụ, năng lực của các Ban quản lý dự án, đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các ban quản lý dự án rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tổng kết đánh giá ưu, nhược điểm mô hình tổ chức hiện tại để đề xuất phương án sắp xếp cho phù hợp (nếu có).

4. Một số nội dung chỉ đạo cụ thể:

a) Thống nhất về nguyên tắc chủ trương tạm dừng thực hiện dự án nạo vét bùn Hồ Tây. Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả, khả thi, đề xuất phương án xử lý đối với dự án. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố quyết định.

b) Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội rà soát lại toàn bộ trình tự, thủ tục triển khai, thực hiện dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công và dự án Khu liên cơ quan Vân Hồ đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng theo đúng quy định pháp luật; đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với hạng mục đầu tư Trung tâm điều hành giao thông của Thành phố. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định.

c) Giao UBND quận Ba Đình tập trung giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng đường Phan Kế Bính theo quy hoạch; yêu cầu Công ty cổ phần Đa Quốc gia phối hợp bàn giao mặt bằng; trường hợp cần thiết, củng cố hồ sơ để thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

d) Giao UBND huyện Ba Vì tập trung giải phóng mặt bằng các dự án; (1) Xây dựng đường hành lang chân đê tuyến đê hữu Đà và hữu Hồng, huyện Ba Vì; (2) Xử lý sạt lở bờ hữu sông Đà khu vực xã Minh Quang, huyện Ba Vì; (3) Gia cố kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

e) Giao UBND quận Bắc Từ Liêm tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo thoát nước sông Pheo.
 
f) Giao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội tổ chức thanh lý tài sản cố định theo quy định pháp luật, khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm, kiên cố hoá bờ kênh trục chính Thanh Điềm kết hợp làm đường giao thông.

Chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, giải tỏa các vi phạm về đất đai

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4728/UBND-GPMB, ngày 28/9/2020, chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố như sau:

1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, ưu tiên giải quyết các dự án đầu tư công; chủ động liên hệ với các sở, ngành để được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết đối với những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác quản lý đất đai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép; kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai. Tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

2. Các sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật, chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn các quận, huyện.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các đơn vị thực hiện; tiếp tục chủ trì Tổ công tác liên ngành để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công; báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Điều chỉnh giảm danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung của thành phố Hà Nội

Xét đề xuất của Liên Sở: Tài chính - Xây dựng, ngày 23/9/2020, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 4278/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giảm danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung của thành phố Hà Nội quy định tại Điều 1, Quyết định số 4754/QĐ-UBND, ngày 04/9/2019, của UBND Thành phố về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung của thành phố Hà Nội, cụ thể: Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường gồm: Thu gom, vận chuyển và duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố và quận, huyện, thị xã quản lý theo phân cấp (không bao gồm hạng mục công việc: quản lý, vận hành khu xử lý rác thải tập trung; xử lý rác bằng công nghệ đốt). Các nội dung khác tại Quyết định số 4754/QĐ-UBND, ngày 04/9/2019, của UBND Thành phố vẫn giữ nguyên.

Phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố

Ngày 24/9/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4303/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố, hướng tới các mục tiêu: thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp, với khoảng 150-180 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận SPCNCL Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố. Mỗi năm có từ 100-120 lượt doanh nghiệp sản xuất SPCNCL được hỗ trợ và thụ hưởng các chính sách của Thành phố, phấn đấu đến năm 2025, hình thành một số doanh nghiệp sản xuất SPCNCL có qui mô lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đa ngành, đa lĩnh vực là đầu tàu dẫn dắt và thúc đẩy hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng lĩnh vực của Thành phố phát triển. Nội dung cụ thể như sau:

1. Xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực: Tuyên truyền chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến, tuyên truyền giới thiệu chương trình xét chọn SPCNCL Thành phố. Tổ chức mời, vận động và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia xét chọn và tôn vinh SPCNCL Thành phố.

2. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Thành phố: Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tham gia các hội chợ xuất khẩu chuyên ngành trong và ngoài nước. Tổ chức các triển lãm trưng bày giới thiệu SPCNCL, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, kết hợp mời các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn kết nối và đưa các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hàng năm, tổ chức các hội nghị xúc tiến để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về các SPCNCL, doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phục vụ công tác quảng bá trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các phương pháp xúc tiến thương mại mới và công cụ mới đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường.

3. Cải thiện môi trường đẩu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuẩt SPCNCL Hà Nội: Tiếp tục cải cách TTHC, giảm thời gian giải quyết các TTHC trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư,... theo hướng thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL. Tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo sự liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp và di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô và khu dân cư. Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các quỹ của Trung ương và Thành phố. Hàng năm tổ chức các hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, ... Tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển, đóng góp vào phát triển chung của Thủ đô.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ: Tổ chức các hội nghị kết nối tại Việt Nam và nước ngoài giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với các đối tác nước ngoài có trình độ công nghiệp phát triển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn 4.0. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước để tiếp cận các nghiên cứu khoa học công nghệ mới, vật liệu mới. Hỗ trợ các DN sản xuất SPCNCL có các dự án nghiên cứu thử nghiệm, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị trong sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ, thiết bị mới, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

5. Phát triển nguồn nhân lực: Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL đào tạo công nhân kỹ thuật tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển SPCNCL giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL kết nối với các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn Thành phố để đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL về kỹ năng tay nghề, kỹ năng quản lý, quản trị, kỹ năng thương mại, hội nhập khu vực và kinh tế quốc tế,..

Tổ chức kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 10/10/2020

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 25/9/2020, về việc điều chỉnh một số hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020) như sau:

1. Tổ chức dâng hương tưởng niệm vua Lý Thái Tổ: Tổ chức 02 đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ: tại đền Đô (tỉnh Bắc Ninh); cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) vào 09h00, ngày 04/10/2020; Tổ chức đoàn đại biểu Thành phố dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Tượng đài Lý Thái Tổ vào 07h00, ngày 10/10/2020.

2. Tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020): tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ vào 19h30, ngày 10/10/2020.

3. Tổ chức tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thủ đô sáng tạo” tại khách sạn Metropole vào 8h00, ngày 02/10/2020.

4. Tổ chức Tọa đàm, gặp mặt nhân dịp Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội - Huế -Sai Gòn (08/10/1960 - 08/10/2020), tại Hội trường UBND thành phố Hà Nội vào 14h, ngày 03/10/2020.

5. Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (08/10/1960 - 08/10/2020) tại Nhà hát lớn Hà Nội vào 20h, ngày 03/10/2020.

6. Các hoạt động của Thành đoàn Hà Nội: Ngày hội “Tôi yêu Hà Nội”

- Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tại Rạp Khăn Quàng Đỏ - Cung thiếu nhi Hà Nội vào 08h00 ngày 09/10/2020.

- Chương trình Văn nghệ “Tự hào Việt Nam” tại Khu vực tượng đài Cảm Tử vào 19h00 - 21h, ngày 09/10/2020.

- Lễ tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ thành phố Hà Nội lần thứ XIV-2020 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội vào 19h30 - 21h, ngày 09/10/2020.

- Khai mạc Hội khỏe thanh thiếu nhi Thủ đô, hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội tại Khu vực tượng đài Cảm Tử và đường Đinh Tiên Hoàng vào 7h30 - 8h15, ngày 10/10/2020.

- Khai mạc Ngày hội tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng hàng Việt Nam và Hội thi Bàn tay vàng thanh niên các làng nghề truyền thống tại Cung thiếu nhi Hà Nội vào 8h00 - 9h00, ngày 10/10/2020.
- Chung kết Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VinaCapital Ventures VietChallenge, tại rạp Khăn Quàng Đỏ - Cung thiếu nhi Hà Nội, vào 8h00, ngày 11/10/2020.

- Liên hoan Dân vũ quốc tế và các điệu nhảy cổ động thành phố Hà Nội tại Cung Thiếu nhi Hà Nội vào 17h30 - 20h, ngày 11/10/2020.

8. Chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Khát vọng Rồng bay” tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ vào 20h, ngày 13/10/2020.

9. Cuộc thi ý tưởng thiết kế “Không gian sáng tạo Hà Nội”, phát động cuộc thi ngày 26/10/2020.

Thống nhất chủ trương thực hiện công trình Km0 quận Hoàn Kiếm

Chủ trì cuộc họp xem xét việc cải tạo, chỉnh trang vườn hoa Lý Thái Tổ, lựa chọn phương án cột mốc Km0 chào mừng kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10/2020, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu kết luận chỉ đạo như sau:

(1) Cải tạo, chỉnh trang vườn hoa Lý Thái Tổ: Giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan sửa chữa, cải tạo, trùng tu những vị trí xuống cấp xung quanh vườn hoa Lý Thái Tổ bằng nguồn ngân sách quận, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan xung quanh, phát huy giá trị không gian, thực hiện đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

(2) Lựa chọn phương án cột mốc Km0 chào mừng ngày 10/10/2020

- Thống nhất về chủ trương thực hiện công trình Km0 - là công trình văn hóa nhằm phát huy giá trị không gian, kích cầu du lịch và thu hút khách du lịch tới thăm Thủ Đô.

- Về cách thức thực hiện và vị trí đặt Km0, UBND quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, xin ý kiến các Hội chuyên gia theo các lĩnh vực để các Hội có ý kiến thống nhất, đề xuất một số vị trí đặt Km0 phù hợp nền văn hóa, du lịch, truyền thống, lịch sử nhiều năm của người dân Thủ đô để tham mưu UBND Thành phố tiếp tục xem xét, chỉ đạo.

(3) Phân cấp quản lý khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ: Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, các đơn vị liên quan nghiên cứu việc phân cấp quản lý khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ tập trung về 01 đầu mối là UBND quận Hoàn Kiếm; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố đảm bảo đúng quy định pháp luật và Thành phố.

Tăng cường quản lý chất lượng công trình trường học, đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn cho học sinh trên địa bàn Thành phố

Thực hiện văn bản của Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4707/UBND-ĐT, ngày 24/9/2020, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng; có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn Thành phố tổ chức triển khai, đảm bảo an toàn kết cấu công trình và an toàn cho học sinh trong quá trình học tập, cụ thể:

1. Đối với các trụ cổng đã xây bằng gạch: kiểm tra các trụ cổng, trường hợp phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần có biện pháp đảm bào an toàn cho học sinh. Chú ý các nội dung sau: Kiểm tra nhanh trụ cổng hiện có theo kích thước sơ bộ quy định. Kiểm tra bằng trực quan địa hình xung quanh, khảo sát bề mặt bên ngoài các trụ cổng… để xác định các dấu hiệu mất an toàn như: nghiêng, lún, nứt, vỡ… phần thân trụ; hiện tượng ẩm, mủn gạch, vữa; bản lề cửa không liên kết chắc chắn với trụ gạch. Kiểm tra bằng các biện pháp như rung, lắc, đẩy nhẹ… để xác định tình trạng của trụ khi chịu tác động của tải trọng bất thường.

2. Đối với những trụ cổng dự kiến xây mới hoặc gia cường: Tăng cường quản lý công tác thiết kế, thi công, giám sát, năng lực các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, công tác bảo trì công trình theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Lưu ý các đơn vị thiết kế trường học sử dụng giải pháp nền móng và kết cấu phù hợp như móng bê tông cốt thép, trụ bê tông cốt thép kết hợp gạch xây; đồng thời khi tính toán nền móng, kết cấu trụ cổng, liên kết bản lề, cần xét đến các tải trọng và tổ hợp tải trọng bất lợi nhất tác dụng lên cổng và cánh cửa cổng theo quy định của các tiêu chuẩn hiện hành. Khuyến khích thiết kế cổng có cánh dạng đẩy ngang hoặc bản lề quay có bánh xe.

3. Thông báo đến các đơn vị quản lý trường học lưu ý công tác quản lý, giám sát học sinh trong và ngoài giờ học; ngăn chặn các hiện tượng đu, bám lên cổng trường, tường rào,… hoặc lại gần những vị trí, hạng mục công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; đồng thời, cần có thông báo rõ ràng, dễ nhìn đối với quy định cấm leo trèo, đu bám lên cánh cổng, trụ cổng.

Đẩy mạnh tuyên truyền về việc khảo sát, đo lường hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2020

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ, để cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng SIPAS năm 2020 của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4594/UBND-SNV, ngày 21/9/2020, yêu cầu thủ trưởng các Sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện được lựa chọn khảo sát triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc nhận thức đầy đủ về mục đích, nội dung và yêu cầu của việc triển khai đo lường hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội năm 2020 do Bộ Nội vụ khảo sát; tuyên truyền sâu rộng đến người dân, tổ chức đã tham gia giao dịch, giải quyết TTHC, được lựa chọn khảo sát để người dân, tổ chức tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học đầy đủ, trung thực, khách quan.

2. Chỉ đạo việc chọn mẫu điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Bộ Nội vụ và hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Nội vụ. Thời gian hoàn thành: trước ngày 29/9/2020.

3. Chủ động, tích cực phân công cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Nội vụ trong quá trình giám sát công tác phát, thu phiếu trên địa bàn.

4. Giao Sở Nội vụ: là đầu mối liên hệ, cung cấp thông tin, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ với Bộ Nội vụ; hướng dẫn các Sở, UBND các quận, huyện được chọn điều tra trong công tác chọn mẫu; thông tin, tuyên truyền; phối hợp thực hiện giám sát, phúc tra. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội giám sát, phúc tra.

5. Đề nghị Bưu điện thành phố Hà Nội: phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong quá trình phát, thu phiếu; cung cấp cho Sở Nội vụ thông tin về người dân, tổ chức đã trả lời phiếu điều tra xã hội học để phục vụ công tác phúc tra.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện giám sát, phúc tra theo yêu cầu của Bộ Nội vụ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t