Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 8-12/7/2019 (12:53 16/07/2019)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 8-12/7/2019 như sau:

Chuẩn bị tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025

Nhằm đánh giá kết quả của các phong trào thi đua yêu nước từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (2015) và Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2020-2025 (năm 2015), biểu dương thành tích các phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 8/7/2019 chỉ đạo triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, những nội dung trọng tâm cần tập trung từ nay đến Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội năm 2020 bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó tập trung tuyên truyền về Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội thi đua yêu nước Thành phố; những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tạo không khí sôi nổi, chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong năm 2019 và 2020, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2020-2025 và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. (2) Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Trung ương và Thành phố phát động: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, và các phong trào “An toàn thực phẩm”, “Văn minh đô thị”, “Cải cách hành chính”, “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”… Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

(3) Chú trọng phát hiện các điển hình và nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần chúng, tập thể suy tôn để biểu dương, tôn vinh và kịp thời tuyên truyền, nhân rộng. Tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp yêu cầu hoàn thành trong trước 31/3/2020 (đối với cấp cơ sở - xã, phường, thị trấn) và trong Quý II/2020 (đối với cấp trên cơ sở - các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể và quận, huyện, thị xã; các tổng công ty và đơn vị thuộc Thành phố). Đại hội Thi đua yêu nước TP giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tiến hành vào quý III/2020 - dịp kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10.

Quý II/2019, thành phố Hà Nội đã triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 74%

Tại văn bản số 228/BC-UBND, ngày 9/7/2019, UBND Thành phố báo cáo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính như sau: quý II năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 05 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Khoa học công nghệ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Theo đó, Thành phố đã công bố danh mục 72 TTHC, sửa đổi bổ sung 01 danh mục TTHC, 01 TTHC và bãi bỏ 161 TTHC. 100% các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định. Việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định: tổng số hồ sơ giải quyết: 3.366.871 hồ sơ. Số hồ sơ đã giải quyết: 3.311.866 hồ sơ, trong đó đúng hạn : 3.307.408 hồ sơ, tỷ lệ 99.86%; đang giải quyết: 51.957 hồ sơ.

Thành phố đã tiếp nhận 22 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, đã xử lý 21 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 01 phản ánh kiến nghị (trong hạn). Triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.074 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 198 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 74%.

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, tích hợp kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Thành phố đã tiến hành việc triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 03 cấp trên toàn địa bàn Thành phố, phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một của, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của Thành phố có tính năng đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với quy định của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP.

Ngày 15, 16/7/2019 đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng vùng Ile-de-France (Pháp) thăm và làm việc với Thủ đô Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (CH Pháp), nhận lời mời của Chủ tịch UBND Thành phố, Đoàn đại biểu cấp cao vùng Ile-de-France do bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France dẫn đầu sẽ sang thăm chính thức Hà Nội từ ngày 15-16/7/2019. Chuyến thăm nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France; thúc đẩy triển khai các nội dung cam kết tại Chương trình hành động Hà Nội - Ile-de-France giai đoạn 2019 - 2021; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý đô thị; giao thông công cộng; xử lý chất thải rắn và nước thải; cung cấp nước sạch; cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường; Thành phố thông minh; khởi nghiệp sáng tạo; hợp tác phát triển kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp phát triển du lịch.

Các hoạt động chính trong khuôn khổ sự kiện bao gồm: (1) Lễ khai trương triển lãm về giảm thiểu rác thải - Dự án hợp tác Hà Nội - Ile-de-France: Cải thiện chất lượng sống, chất lượng đô thị tại Trung tâm Văn hóa Pháp “l’Espace”; (2) Lễ khánh thành trạm quan trắc chất lượng không khí tại trụ sở Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; (3) Hội thảo về “Đô thị và Sáng tạo” - giới thiệu về kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, chủ trương của Thành phố về phát triển đô thị thông minh và khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này; (4) Bản ghi nhớ hợp tác giữa thành phố Hà Nội, Hội đồng vùng Ile-de-France, Cơ quan phát triển Pháp về phát triển mô hình Vườn ươm khởi nghiệp tại Hà Nội; (5) Bản ghi nhớ giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Đô thị cổ Provins về hợp tác du lịch; (6) Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; (7) thông tin đến các cơ quan báo chí về quan hệ hợp tác Hà Nội - Ile-de-France.


Phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của Thành phố (đợt 5) năm 2019

Ngày 9/7/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3654/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của Thành phố theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ (đợt 5) năm 2019. Theo đó, kinh phí chi trả cho 97 công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, lao động hợp đồng được tinh giản biên chế là 12.268.890.000 đồng (Mười hai tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, tám trăm chín mười nghìn đồng).

UBND Thành phố giao các cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được tinh giản biên chế có trách nhiệm tiếp nhận kinh phí ngân sách Thành phố cấp bổ sung và sử dụng các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chi trả cho các đối tượng theo đúng chế độ, chính sách quy định; thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đúng quy định của Nhà nước.

Chấp thuận danh mục 21 tuyến buýt trợ giá mở mới năm 2019

Xét đề nghị của Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 2867/UBND-ĐT ngày 10/7/2019 chấp thuận chủ trương về việc phê duyệt các tuyến buýt mở mới năm 2019 vào Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2025, định hướng 2030”.

Theo đó, danh mục 21 tuyến buýt mở mới bao gồm: 4 tuyến buýt do Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký khai thác bằng phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch (khí CNG); 17 tuyến còn lại gồm 3 tuyến buýt nhằm tăng khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách trong khu vực nội đô, thu gom khách từ khu dân cư, khu đô thị ra các trục chính trong các quận nội thành: tuyến Hoàng Cầu - Hoàng Mai, Cầu Giấy - Định Công - Giáp Bát, Trần Khánh Dư - trung chuyển Long Biên; 14 tuyến buýt nhằm mở rộng tới các khu vực chưa có xe buýt hoạt động tại các huyện ngoại thành: tuyến bến xe Gia Lâm - KCN Bắc Thăng Long, Bến xe Yên Nghĩa - Phùng; Bác Cổ - Dương Quang (Gia Lâm); Hòa Lạc - Nhổn; Bến xe Phùng - Bến xe Sơn Tây; Bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn; Bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai); bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài; bến xe Thường Tín - Tế Tiêu; Bến xe Sơn Tây - Cổ Đô - Trung Hà; thị trấn Vân Đình - Xuân Mai (trường CĐ cộng đồng Hà Tây); Bến xe Sơn Tây - Tòng Bạt; Hòa Lạc - Bất Bạt (Ba Vì); Yên Trung (Thạch Thất) - KCN Phú Nghĩa.

UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan khảo sát và mở các tuyến để phục vụ mở rộng thị trường; kiểm tra và đề xuất sớm mở kéo dài tuyến buýt nối với địa bàn tỉnh Hưng Yên; tổ chức mở mới các tuyến buýt triển khai thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ và quy định hiện hành của nhà nước.

Xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm, chiếm dụng công viên, vườn hoa, chuyển công năng sử dụng không đúng quy định

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 2834/UBND-ĐT ngày 8/7/2019, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp hiện trạng sử dụng các công viên, vườn hoa trên địa bàn; đánh giá, xác định các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng công viên, vườn hoa, chuyển công năng sử dụng để làm nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi giải trí không đúng quy định (nếu có); có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục, hoàn trả, sử dụng đúng mục đích; báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 20/7/2019. Giao Sở Xây dựng đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/7/2019.

Nhiều kết quả nổi bật sau 2 năm Hà Nội thực hiện phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 233/BC-UBND ngày 11/7/2019, thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 103/NQ/CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, qua 2 năm (2017-2018), tốc độ tăng bình quân khách du lịch đến Hà Nội đạt khá cao trên 9,8%/năm, chiếm tỷ trọng 26,8% so với tổng số lượng khách toàn ngành Du lịch Việt Nam đón và phục vụ. Ước 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt 14,39 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch trong giai đoạn 2017-2018 tăng bình quân 12%/năm, chiếm tỷ trọng 12,9% so với tổng thu từ khách của ngành Du lịch Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2019 tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50.242 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Số lượng cơ sở lưu trú tăng thêm 417 cơ sở với 11.694 buồng, nhiều hệ thống có sự hiện diện của các thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới. 06 tháng đầu năm 2019 công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn ước đạt 72,7% tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018; hoàn thành chỉ tiêu công suất sử dụng phòng trung bình 60-65% tại Nghị quyết 06-NQ/TU đề ra. Số lượng DN kinh doanh lữ hành tăng thêm 400 DN.

Năm 2017 Thành phố đã giới thiệu để thu hút đầu tư 4 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 11.560 tỷ đồng; 12 dự án thương mại dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 4.215 tỷ đồng; 4 dự án bãi đỗ xe với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Năm 2018, giới thiệu 01 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 2.366 tỷ đồng; 16 dự án bãi đỗ xe với tổng vốn đầu tư khoảng 3.710 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư 20 cơ sở lưu trí, khách sạn cao cấp, trong đó có nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Tính đến tháng 6/2019, toàn Thành phố đã trồng được 1.000.000 cây (không bao gồm cây ăn quả), đạt 100% mục tiêu Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Đã cắt tỉa 35.324 cây/276 tuyến phố và 18 công viên, vườn hoa, 3 khu đô thị để phòng chống cây đổ trong mùa mưa. Công tác hạ ngầm đường dây được đẩy nhanh tiến độ: đã hoàn thành 57 tuyến, nâng số tuyến đã hạ ngầm đạt 183 tuyến; hiện đang thi công đồng thời hạ ngầm đường dây tại 5 tuyến phố; tiếp tục triển khai khoảng 50 tuyến phố trong năm 2019.

Nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - du lịch mang tính quốc tế tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; giới thiệu Không gian bích họa phố Phùng Hưng; khai trương thí điểm không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, tuyến buýt du lịch 2 tầng “Hà Nội city tour Hop on - Hop off” và “Thăng Long - Hà Nội city tour”. Thành phố đã tiến hành công nhận 11 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố; triển khai xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam nước ngoài tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch tại các quốc gia trên thế giới. Hỗ trợ các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức các chương trình giới thiệu, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch nước bạn tại Hà Nội, Việt Nam. Triển khai Chương trình hợp tác chiến lược với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2017 - 2018, tạo hiệu ứng cao từ dư luận trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống du lịch thông minh trong cấu thành Thành phố thông minh, bao gồm cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của Thành phố, Cổng thông tin du lịch Hà Nội; bản đồ số về du lịch theo công nghệ GIS; xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch trên thiết bị di động cầm tay; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch và phát triển hệ thống wifi công cộng; hoàn thành nâng cấp, phát triển trang thông tin du lịch Hà Nội kết nối toàn cầu.

Không tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế

Để phát triển sản xuất chăn nuôi ổn định, hiệu quả, bền vững, hạn chế thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân, phát triển cân đối giữa các loại vật nuôi trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã có văn bản số 2933/UBND-KT ngày 11/7/2019 yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, tái cấu trúc ngành chăn nuôi trên địa bàn theo hướng như sau:

- Giao UBND các quận (còn chăn nuôi lợn), huyện, thị xã:
+ Trong thời gian bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản… đề bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn, phát huy hiệu quả lợi thế, tiềm năng, phát triển KT-XH bền vững tại địa phương;
+ Hạn chế chăn nuôi lợn trong khu dân cư không đáp ứng đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
+ Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn, trang trại, gia trại, HTX chăn nuôi: (1) Tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, lựa chọn thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, an toàn thực phẩm, chăn nuôi VietGap; (2) Không tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế; (3) Nếu các cơ sở cố tính tái đàn sẽ bị xử lý hành chính theo quy định và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn không được hưởng chính sách hỗ trợ. (4) Việc kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải thực hiện đầy đủ theo quy định; (5) Đẩy mạnh kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch.

- Giao Sở NN&PTNT: (1) Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn Thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia; (2) Xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi trên địa bàn Thành phố đảm bảo phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng sinh thái, từng địa phương; thống kê, tổng hợp số lượng đàn lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, cơ cấu vật nuôi hàng tháng trên địa bàn Thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2020; (3) Xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp chế biên, giết mổ, kinh doanh với các vùng sản xuất chăn nuôi lợn đảm bảo ổn định thị trường. (4) Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động của hiệu quả các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, Tổ kiểm dịch động vật liên ngành nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào Thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.

Tập trung triển khai Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2019-2025

Với mục tiêu phấn đấu 80% (năm 2020), 95% (giai đoạn 2021 - 2025) trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện; 80% (năm 2020), 100% (giai đoạn 2021 - 2025) cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; 50% (năm 2020), 100% (giai đoạn 2021 - 2025) quận, huyện, thị xã xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị nâng cao nhận thức; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; tăng cường tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Chú trọng, xây dựng chương trình, tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Xây dựng và phát triển các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, bảo vệ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; thí điểm thực hiện khung đo lường phát triển toàn diện trẻ em. Xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện hiệu quả công tác này. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2019 - 2025.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t