Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 74.200 người lao động (19:03 17/05/2022)


HNP - Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 74.200 người lao động, đạt 46,4% kế hoạch năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 15.500 người với kinh phí hỗ trợ 430,5 tỷ đồng.  

Người lao động tham gia tư vấn, tìm kiếm cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2022


Riêng trong tháng 4, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 24.151 lao động; tăng 2.228 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tạo việc làm cho 9.492 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tền là 424,7 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 1.653 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 13.006 lao động.
 
Cũng trong tháng 4/2022, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.200 người với số tiền hỗ trợ 148,8 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 5.500 người; hỗ trợ học nghề cho 236 người với số tiền 1,1 tỉ đồng.
 
Ngoài ra, Thành phố cũng đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 2,631 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (thuộc 12/12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội) với kinh phí 2.531.794 triệu đồng; Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia BHTN và người lao động tạm dừng BHTN, với tổng số tiền trên 4.112.837 triệu đồng. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thành phố đã triển khai xây dựng quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ trên địa bàn.
 
Để có được kết quả tích cực nêu trên, những tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới. 
 
Theo đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thành công 23 phiên giao dịch việc làm (GDVL) với 746 đơn vị, doanh nghiệp tham gia có tổng số nhu cầu tuyển dụng là 11.900 chỉ tiêu. Đã có 4.800 người được phỏng vấn, 1.700 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên GDVL.
 
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện Mê Linh tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tham gia Phiên Giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2022.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, để đảm bảo được các mục tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của Thành phố và các cơ quan của địa phương, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại cũng như xu hướng phát triển và tác động trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch. Qua đó, tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.
 
Đồng thời, Sở LĐTB&XH Hà Nội định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của Thành phố, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm.
 
Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đã chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới thu nhập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ Thành phố tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống Sàn GDVL Hà Nội, các Sàn/Điểm GDVL vệ tinh. Đặc biệt là cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên GDVL chuyên đề, lưu động tại các quận, huyện nhằm đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể. Từ những hoạt động đó để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t