Hội thảo khoa học về sơ bộ khai quật khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021 (14:48 22/04/2021)


HNP - Sáng 22/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021. Gần 150 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Trung ương, TP Hà Nội, các sở, ban ngành và các nhà khoa học tới dự và góp ý kiến cho những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021.

Hiện trường khai quật khu vực điện Kính Thiên


Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000m. Kết quả khai quật đã tiếp tục làm rõ tầng văn hóa, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau, có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XIX-XX của các thời kỳ Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn.
 
Đánh giá sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021, các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo cho biết, bước đầu đã xác định được một số di tích quan trọng. Cụ thể, dấu tích kiến trúc thời Lý gồm một số móng cột sỏi. Dấu tích kiến trúc thời Trần, gồm dấu tích kiến trúc tròn đường kính trên 5m xung quanh có dấu tích cống ngầm và lớp văn hóa dày đặc gạch, ngói và dấu tích cháy, vỏ nhuyễn thể biển. Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, tiếp tục làm rõ kiến trúc có vì kèo 4 móng cột kiểu hành lang tiếp nối với dấu tích kiến trúc đã phát hiện năm 2019.
 
Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng, gồm có dấu tích vườn hoa cây cảnh, ngòi nước, kiến trúc dài kiểu hành lang, móng tường, cống nước, đường đi, sân gạch và đặc biệt là một giếng nước bằng đá sâu 6,56m được xây lắp khẩu giếng đá chạm khắc công phu. Ở đáy ngòi nước gạch thời Lê Trung hưng năm nay, còn xuất hiện dấu tích 2 mộ gạch song song với nhau có niên đại khoảng Lục Triều (thế kỷ IV-VI) minh chứng ở khu vực trung tâm Thăng Long đã có dấu tích cư trú từ khá sớm.
 
Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, trong số hàng trăm di vật khảo cổ, có 2 di vật rất đáng chú ý là chiếc chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn và mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh thời Lê sơ thể hiện khá tỉ mỉ kết cấu đấu củng ở hiên nhà, cách lợp bộ mái âm dương và phần đầu dư chạm rồng...
 
Theo các nhà khoa học, chuyên gia, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Tuy nhiên, qua đó đã góp thêm nhiều tư liệu làm rõ các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, góp thêm một số tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên thời Lê.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t