Chăn nuôi trang trại: Vừa bền vững, vừa nâng cao giá trị (06:26 02/02/2021)


HNP - Phát triển chăn nuôi trang trại, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa là hướng đi bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp - Xác định được tầm quan trọng này, nhiều địa phương ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã đầu tư chuyển dần sang phát triển chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ...

Trang trại chăn nuôi ở huyện Thạch Thất vừa khắc phục ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao giá trị gia tăng


Động lực thúc đẩy chăn nuôi trang trại…
 
Trong bối cảnh chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ khá bấp bênh về đầu ra sản phẩm, nhất là mối đe dọa từ các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, bệnh dịch tả lợn châu Phi…, thì phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức trang trại đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Huyện Ứng Hòa là một trong những điển hình của thành phố Hà Nội về thúc đẩy chăn nuôi trang trại. Qua rà soát, toàn huyện có hơn 200 trang trại chăn nuôi, thủy sản, trang trại tổng hợp… Trong đó, 119 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các trang trại, gia trại trên địa bàn vẫn duy trì phát triển tốt, quy mô và giá trị kinh tế không ngừng tăng. Theo tính toán, bình quân thu nhập của mỗi trang trại đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
 
Không riêng nông dân Ứng Hòa, ở khu vực ngoại thành, nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ từ phát triển chăn nuôi trang trại. Đơn cử, trang trại chăn nuôi của ông Tạ Đình Căn, ở thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên là một minh chứng. Trên diện tích 5ha, ông Căn xây dựng 6 khu chuồng trại rộng 6.000m2 nuôi 4.000 con lợn siêu nạc theo quy trình khép kín, bảo đảm kỹ thuật. Để ổn định chăn nuôi, ông Căn đã chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất cùng với doanh nghiệp. Nhờ áp dụng quy trình bài bản, phương pháp chăn nuôi hiện đại, khép kín, trang trại chăn nuôi của ông cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại là xu thế tất yếu, đã và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi chú trọng. Những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi trang trại như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ… đều định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô là chủ trương lớn nhằm nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. Chẳng hạn huyện Ba Vì, thời gian qua, địa phương này đã tập trung phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm dần tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại Ba Vì cũng đã xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tạo nên các vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất, tạo diện mạo mới cho lĩnh vực chăn nuôi của huyện.
 
Kết quả rà soát, toàn thành phố Hà Nội có 1.816 trang trại, trong đó, có 1.555 trai trại chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư của một trang trại trung bình từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, có trang trại vốn đầu tư lớn trên 10 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ của các trang trại mang lại trên 3.269 tỷ đồng. “Trong giai đoạn vừa qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, do thực hiện tốt biện pháp trong bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, nên kiểm soát dịch bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao, bền vững”, ông Nguyễn Huy Đăng chia sẻ.
 
… Nhiều giải pháp tích cực
 
Có thể nói, chăn nuôi trang trại quy mô lớn là bước đột phá trong ngành chăn nuôi, mang lại hiệu quả đáng kể, tại điều kiện cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là xử lý dịch bệnh và giải quyết ô nhiễm môi trường. Tiếc rằng, số trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn thành phố chưa nhiều, chủ yếu là trang trại quy mô chăn nuôi nhỏ. Mặt khác, tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, chưa hình thành vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ trang trại còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chăn nuôi do trang trại sản xuất được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, nên thường bị ép giá, gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các trang trại chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn…
 
Để hóa giải những khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp tích cực, trong đó, tập trung vào nhóm các giải pháp về quy hoạch, thú y, huấn luyện kỹ thuật cho người chăn nuôi và các giải pháp về giống vật nuôi, kỹ thuật, chuồng trại, nhất là tổ chức sản xuất ngành hàng trong chăn nuôi theo hướng hàng hóa gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Từ thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều đề xuất nên quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xóa bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng tập trung theo quy định. Làm tốt việc này, vừa nâng cao giá trị gia tăng trong chăn nuôi, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa cho rằng: "Để đáp ứng các yêu cầu về tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi nhiều yếu tố từ chất lượng con giống, quy trình chăn nuôi an toàn, môi trường chăn nuôi sạch gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thì việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cần có sự trợ giúp của các cấp, các ngành thành phố Hà Nội”.
 
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến công nghiệp, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Còn lâu dài, sẽ tập trung hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với công nghệ hiện đại, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu… 

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t