Khẳng định vị trí “đầu tàu” của giáo dục Thủ đô (18:09 23/01/2021)


HNP - Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô đã khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm tiến độ, chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc vị thế “đầu tầu” của cả nước. Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của TP Hà Nội, tạo nền tảng để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. 

Giáo dục Thủ đô giữ vững vị thế ''đầu tầu'' trong cả nước


Đảm bảo quy mô và chất lượng giáo dục
 
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước về cả quy mô và chất lượng. Đến nay, toàn Thành phố đã xây mới được 261 trường học, cải tạo 841 trường với 16.346 phòng học, tổng kinh phí khoảng 14.351 tỷ đồng ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS; xây mới và thành lập 04 trường THPT với kinh phí 450 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 89 trường với kinh phí 290 tỷ đồng. Tính đến năm học 2020-2021, toàn ngành Giáo dục Hà Nội có 2.794 trường học, trong đó, có 2.792 trường mầm non, phổ thông với 62.223 nhóm lớp và 2.110.600 học sinh, tăng gần 68.000 học sinh so với năm học 2018-2019.
 
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội trong năm 2020 đã đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020 (từ 65 - 70% số trường đạt chuẩn). Ngoài ra, tính đến thời điểm tháng 8/2019, trên địa bàn thành phố có 26 trường mầm non và 11 trường cấp phổ thông liên cấp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội; 46 trường mầm non và phổ thông thực hiện chương trình liên kết với nước ngoài…
 
Đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy, học, hoàn thành mục tiêu kép là bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì vững chắc chất lượng. Việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học và gần 150 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên trên toàn thành phố.
 
Dạy học qua truyền hình là một trong những điểm nhấn của ngành GD&ĐT trong năm học vừa qua
 
Đáng chú ý trong thời điểm đó là quyết định tổ chức dạy học qua internet và qua truyền hình. Chỉ từ ngày 9/3 đến ngày 30/5, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phối hợp sản xuất được 1.000 tiết học/chương trình, phát sóng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Hiệu ứng tích cực của chương trình đã lan tỏa mạnh ra khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các chương trình dạy học qua truyền hình của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, được sở giáo dục và đào tạo của 12 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp sóng, góp phần tích cực cùng các trường học trên cả nước duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn được giữ vững, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 144 giải quốc gia, 338 giải và huy chương quốc tế. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 9, điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10 và hơn 28.000 điểm 9; điểm trung bình các môn Toán và môn ngữ Văn cũng tăng so với các năm trước. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh các khối đăng ký dự thi Đại học có tổng điểm đạt từ 15,0 điểm trở lên chiếm 90,72% trong tổng số học sinh đăng ký dự tuyển; Hà Nội cũng có thí sinh thủ khoa khối D với tổng điểm 29,0 điểm.
 
Đổi mới để tạo chuyển biến mạnh mẽ
 
Học sinh được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay trong ngày khai giảng năm học 2020-2021 nhằm phòng dịch Covid-19
 
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là đối với Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030 thì việc tiếp tục phát triển ngành GD&ĐT, phát triển con người, lấy con người là trung tâm của chiến lược phát triển vẫn phải được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, đòi hỏi ngành GD&ĐT phải nỗ lực, cố gắng. Cùng với đó, phải đổi mới sáng tạo, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn và tập trung triển khai các giải pháp cơ bản để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành.
 
Cụ thể, TP Hà Nội đã tăng cường mọi nguồn lực, ưu tiên kinh phí để mở rộng, xây dựng bổ sung trường, phòng học. Nhiều quận, huyện, thị xã cũng coi đây là giải pháp giải quyết vấn đề thiếu phòng học, dành sự đầu tư cho ngành giáo dục. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường nguồn lực để tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thầy, trò toàn ngành quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ GD&ĐT phát động, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ mỗi cá nhân, nhà trường, góp phần đưa giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu” trong những năm tới.
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại khẳng định: Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với ngành GD&ĐT Thủ đô trong việc hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của Thủ đô - trung tâm giáo dục, chính trị, văn hóa của cả nước.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t