Nỗ lực trong bảo vệ môi trường làng nghề (15:07 13/01/2021)


HNP - Nhằm tăng cường năng lực quản lý, giám sát, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 về “Phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, nhiều nội dung của đề án đã được triển khai thực hiện, bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Song do nhiều nguyên nhân, việc xử lý ô nhiễm gặp một số khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân người dân các làng nghề.

Người dân làng nghề xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cam kết cùng với địa phương chung tay bảo vệ môi trường


Có cải thiện nhưng chậm
 
Với sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, nhiều nội dung của đề án đã được triển khai như: Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề; truyền thông, tập huấn, nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường… Đáng chú ý, trong danh sách 235 làng nghề thuộc đề án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND thành phố phê duyệt, nhiệm vụ được thực hiện trong 2 đợt đã tiến hành đánh giá, phân loại 228 làng nghề, 6 làng nghề còn lại qua điều tra, khảo sát đã mai một nên không tiến hành lấy mẫu để phân loại, 1 làng nghề không được phê duyệt kinh phí thực hiện.
 
Nhìn chung, thông qua thực hiện nhiều giải pháp từ truyền thông thay đổi nhận thức của người dân đến các biện pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch… đã có những tín hiệu lạc quan về khắc phục, cải thiện ô nhiễm làng nghề, tuy nhiên, chuyển biến vẫn chậm. Kết quả phân tích môi trường nước tại các làng nghề cho thấy có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm, 50 làng nghề không ô nhiễm. Trong đó, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ có 65/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 64/228 làng nghề ô nhiễm; nhóm làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ có 15/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 7/228 làng nghề ô nhiễm... Trong khi đó, phân tích môi trường đất có 6/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 1/228 làng nghề ô nhiễm.
 
Lý giải những khó khăn trong khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phần lớn làng nghề trên địa bàn thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng, xã. Các làng nghề không chỉ hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn. Các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề, các hộ đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải sản xuất tại các làng nghề. Lực lượng cán bộ quản lý môi trường của cấp huyện còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cán bộ chuyên trách về môi trường xã, phường, thị trấn còn yếu, chưa đúng chuyên môn nghiệp vụ môi trường, thiếu về số lượng, không nằm trong biên chế, hưởng mức lương quá thấp. Kinh phí sự nghiệp môi trường, đặc biệt là kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, tình hình thực tế.
 
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, việc thu gom và xử lý chất thải sản xuất rất khó khăn, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Do đó khó khăn trong việc phân loại, thu gom chất thải sản xuất, rác thải sinh hoạt; thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt tại các làng nghề. Đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải từ các quá trình sản xuất rất ít được quan tâm. Phần lớn các hộ sản xuất tại các làng nghề gặp khó khăn về tài chính, không đủ điều kiện đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Trong đó rác thải, nước thải, khí thải sản xuất không được thu gom và xử lý, thải chung cùng nước thải sinh hoạt của làng nghề ra môi trường.
 
Để phát triển bền vững
 
Từ những kết quả đạt được, để giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là các nhiệm vụ về xử lý nước thải làng nghề. Trong đó, có việc triển khai công tác khảo sát, lập dự án thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công - tư tại làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); dự án đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề thủ công, mỹ nghệ sử dụng tích hợp công nghệ xử lý mô đun - hóa học chuyên biệt cho các chất sơn mài, phẩm phụ gia; dự án đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề tái chế chất thải sử dụng tích hợp công nghệ xử lý mô đun, công nghệ thu hồi các chất có thể tái sử dụng…
 
Theo ông Lê Tuấn Định, trên thực tế, để bảo đảm xử lý ô nhiễm môi trường một cách căn cơ, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và bản thân người dân các làng nghề. Theo đó, các địa phương cần xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường làng nghề, đồng thời, lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề để tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Song song công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, chính quyền các địa phương kiến nghị kịp thời với cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề cần thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấp hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xảy ra các sự cố cháy, nổ, rò rỉ hóa chất, phát tán ô nhiễm phải báo cáo UBND cấp xã để chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố kịp thời.
 
Thông qua thực hiện thực hiện các giải pháp trên cộng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành thành phố, hy vọng sẽ tạo được chuyển mới, đẩy lùi ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, hướng đến phát triển bền vững.  

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t