Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của tất cả mọi người (13:26 24/11/2020)


HNP - Sáng 24/11, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình “Truyền thông chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới nơi công cộng” tại huyện Chương Mỹ nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, Tháng hành động vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, từ ngày 15/11 - 15/12.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại Chương trình


Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, có gần 02/03 phụ nữ tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế trong cuộc đời; Đối với trẻ em, báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ việc với 8.709  trẻ em bị xâm hại. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (73,85%), tiếp đến là bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Bên cạnh đó trẻ em còn bị xâm hại bởi các hình thức khác như lao động không đúng quy định của pháp luật, bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn. 
 
Theo kết quả nghiên cứu năm 2014 của tổ chức Plan tại Việt Nam: gần 87% các em gái không cảm thấy an toàn ở nơi công cộng, 31,2% trong số 1,128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Tại Hà Nội, theo Báo cáo của UBND Thành phố, từ 01/01/2015 đến tháng 6/2019 đã phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, trong đó 253 trẻ em gái bị xâm hại tình dục.
 
Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định: Bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, sự bền vững của gia đình, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Nạn nhân của bạo lực, xâm hại có nguy cơ chịu nhiều di chứng suốt đời, tổn hại tới sức khỏe, thể chất, tính mạng, tinh thần. Do đó, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng chống nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các cấp, các ban, ngành và toàn xã hội.
 
Nhấn mạnh Chủ đề của Tháng hành động năm 2020 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy kêu gọi cộng đồng tiếp tục chung tay, quyết tâm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung. Đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức các cơ quan, tổ chức với chức năng, nhiệm vụ được qui định, triển khai thực hiện tốt các văn bản pháp luật, các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; Tuyên truyền, vận động toàn xã hội tích cực, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em, bạo hành giới, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em theo qui định của pháp luật.
 
Đối với cán bộ, hội viên phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Thường trực  Hội LHPN Hà Nội đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn của Thành phố”; Gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực; Chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em...
 
Diễu hành tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em
 
Để chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em như: truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn trong môi trường mạng xã hội… Năm 2020, tổ chức cuộc thi online “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em” trên trang Fanpage của Hội với hơn 23.000 người tham gia; duy trì, nhân rộng và xây dựng mới nhiều mô hình phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như mô hình Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; 51 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”; 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ;110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 15 CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 230.000 phụ nữ trên địa bàn, trong đó tư vấn trực tiếp 1612 trường hợp; ra mắt mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em và Nhà tạm lánh… 
 
Hội LHPN Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em”; Triển khai thí điểm mô hình “Làng quê an toàn” năm 2020 tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên; Phối hợp với Tổ chức Plan International tại Việt Nam thực hiện Dự án Thành phố An toàn, thân thiện đối với trẻ em gái tại 6 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa và Đông Anh…

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t