Hà Nội: 4.689 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sản xuất kinh doanh (10:49 20/10/2020)


HNP - Ngày 16/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo số 663/BC-KH&ĐT gửi UBND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2020.

Theo đánh giá, công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện quyết liệt ở tất cả các sở, ngành trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Lãnh đạo thành phố đã tích cực làm việc với các bộ, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời chỉ đạo sâu sát các sở, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng.
 
Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tuy nhiên kinh tế Thủ đô vẫn đạt được những kết quả nhất định, lũy kế 9 tháng đầu năm GRDP tăng 3,27% trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%, đóng góp 0,06% tăng trưởng trong GRDP; công nghiệp và xây dựng tăng 6,4%, đóng góp 1,41% GRDP; dịch vụ tăng 2,3%, đóng góp vào 1,47% tăng trưởng GRDP.
 
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 19.787 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 258.115 tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 297.601 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.689 doanh nghiệp (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước).
 
Mặc dù còn một số hạn chế trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có những ghi nhận tích cực về công tác tháo gỡ khó khăn cũng như nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp từ chính quyền thành phố và các sở, ngành, địa phương trong bối cảnh hiện nay.
 
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố sẽ tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không thụ động, chờ đợi doanh nghiệp đến phản ánh mới xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh triến khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài.
 
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ, hợp tác trong các chương trình cải cách, hiện đại hóa giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...
 
Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân. Chuẩn hóa, tích hợp, kết nối các nguồn dữ liệu, cơ chế trao đổi thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác quản lý giữa các cơ quan. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí, kinh phí và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
 
Song song thực hiện các nội dung trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Ngoài ra, tạo điều kiện cho các hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết…

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t