Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tạo đột phá lớn trong giai đoạn mới (10:51 20/10/2020)


HNP - Sau 8 năm (2012-2020) thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Với thế mạnh này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá lớn trong phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP thăm Mô hình dưa lưới xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa


Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
 
Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác ngày càng giảm và điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cực đoan. Đây cũng là giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thành phố đã có nhiều chính sách để thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND thành phố về “Một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” được ví như “quả đấm thép” mở ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 7110/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 về “Phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” và Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 7/8/2017 của UBND thành phố hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, kể từ khi các cơ chế, chính sách của thành phố đi vào cuộc sống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động tìm kiếm công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, huy động nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất và thu được những kết quả rất khả quan. Đơn cử mô hình trồng hoa công nghệ cao của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu ở huyện Đan Phượng, trên diện tích khoảng 3,4ha, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng trồng hoa lan chất lượng cao. Ngoài phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, khu nhà kính trồng hàng nghìn cây hoa lan. Hiện, doanh nghiệp này đang cung cấp sản phẩm cho toàn miền Bắc với thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Một số mô hình nổi bật như sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản tại xã Đốc Tín (Mỹ Đức); mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) và gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) cũng được đánh giá đạt hiệu quả cao… Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng ghi nhận nhiều kết quả vượt trội trong ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử trong công tác sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò, đến nay 100% đàn bò sữa, 80% đàn bò thịt được thụ tinh nhân tạo; đàn lợn là 83%; đàn gà đang bắt đầu thực hiện tại 7 cơ sở.
 
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, các công nghệ cao được áp dụng trên địa bàn thành phố chủ yếu hiện nay trong lĩnh vực trồng trọt là trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, phòng, trừ bệnh hại; sử dụng các giống lúa, rau, hoa chất lượng. Trong lĩnh vực chăn nuôi gồm ứng dụng công nghệ chuồng lồng có trang trại hệ thống phun sương làm mát, nước uống, máng tự động. Với lĩnh vực thủy sản là sử dụng quạt nước, chế phẩm sinh học trong xử lý nguồn nước. “Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống”, bà Hoàng Thị Hòa chia sẻ.
 
Trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Điều đáng nói, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông sản làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, nhờ chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn các sản phẩm sản xuất đại trà từ 20 đến 30% nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
 
Với thế mạnh là thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học, công nghệ tốt, Hà Nội đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Chính phủ bổ sung 7 khu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức (quy mô 668ha), quận Hà Đông (76ha), Mê Linh (105ha), huyện Đan Phượng 2 khu (9,44ha và 23,3ha), huyện Phúc Thọ (200ha), thị xã Sơn Tây (80ha). “Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, có nhiều hơn nữa những mô hình cho giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
 
Được biết, thời gian tới, song song xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản công nghệ cao, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế - xã hội và môi trường. Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thu hút vốn đầu tư, tích tụ đất đai, đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t