Văn hóa người Hà Nội: Định hình nét thanh lịch, văn minh (09:49 16/10/2020)


HNP - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”luôn được coi trọng. Đây cũng là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, của Đảng bộ thành phố; là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020".

Lễ hội đường phố tái hiện lại hình ảnh người Hà Nội xưa


Quy tắc ứng xử - Bước đi đột phá
 
Những năm gần đây, nội dung “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống. Cụ thể, năm 2017, thành phố đã ban hành 02 Quy tắc ứng xử là Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những quy tắc này đã làm thay đổi căn bản nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ CC, VC mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội.
 
Thành phố đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, đã phát hành hơn 40.000 sổ tay Quy tắc ứng xử; 584 xã, phường, thị trấn và 7.960 thôn, tổ dân phố đã tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử. Nhiều hội thi được tổ chức như: Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, hội thi ứng xử thanh lịch, văn minh… Tổ chức tuyên truyền trên các tuyến xe buýt, tại sân bay, nhà ga, bến xe, trường học, bệnh viện, khu chung cư… 
 
Sau 3 năm thực hiện, các Quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Cụ thể, từ khi có Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, các CB, CC vi phạm đều bị xử lý kỷ luật từ kiểm điểm trách nhiệm, khiển trách, đến buộc thôi việc. Năm 2019, các vụ việc vi phạm Quy tắc ứng xử của CB, CC giảm rõ rệt. Điển hình như: Giáng chức Hiệu trưởng và cảnh cáo Hiệu phó trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ đi lễ chùa trong giờ hành chính (năm 2018); Kiểm điểm Chủ tịch UBND xã Vật Lại, huyện Ba Vì mời dự đám cưới con trong giờ làm việc (năm 2017); Giáng cấp hàm và cho ra khỏi ngành đối với nữ công an quận Đống Đa gây rối trật tự công cộng tại sân bay Tân Sơn Nhất (năm 2019).
 
Đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ý thức ứng xử của người dân tại nơi công cộng đã có chuyển biến tích cực. Những hành vi như bày bán hàng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; xâm phạm cảnh quan, không gian tín ngưỡng, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng; tranh giành chèo kéo du khách trong lễ hội, kinh doanh dịch vụ, đổ rác thải bừa bãi dưới lòng đường, hồ ao; nói tục, chửi bậy nơi đông người… đã được giảm thiểu. Những vụ việc ứng xử thiếu chuẩn mực nơi công cộng đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm như vụ việc phản cảm trên tuyến xe buýt số 01 (năm 2019); hành vi tiểu bậy trong thang máy tại chung cư Gelexia Riverside 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai (năm 2019); vụ cô gái đi vào thang máy khu chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị người đàn ông lạ cưỡng hôn (năm 2019)…
 
Hà Nội ra quân tuyên truyền Quy tắc ứng xử
 
Đẩy lùi hủ tục xây dựng nếp sống văn minh 
 
Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, việc thực hiện lễ hội, đám cưới, đám tang văn minh, tiết kiệm là một trong những nội dung trọng tâm. Những năm trước, ở nhiều xã, đám tang thường là dịp tụ tập ăn uống linh đình, gây phiền hà và tạo áp lực kinh tế cho gia chủ. Nhằm thay đổi điều này, người cao tuổi trong các làng, xã đã họp bàn, thống nhất phá bỏ lệ cũ. Người dân chỉ đến phúng viếng, tiễn đưa người quá cố chứ không dự cỗ bàn… Cùng với đó, rất nhiều đổi mới khác cũng được áp dụng.
 
Nếp sống văn minh trong việc tang là điều có thể nhận ra ở các địa phương. Nhiều nơi đưa nội dung này vào hương ước, quy ước; tổ chức tuyên truyền, vận động đẩy lùi hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng với chính sách hỗ trợ tích cực... Kết quả, tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan… được cải thiện rõ rệt. Hủ tục như lăn đường, khóc mướn, cờ bạc hầu như không còn. Tỷ lệ hỏa táng trên toàn thành phố năm 2018 đạt 55%, thì đến nay, tỷ lệ này trên toàn thành phố đạt tỷ 60,85%. Tiêu biểu phải kể đến các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Đông; huyện Đông Anh… 
 
Không chỉ việc tang, việc cưới theo nếp sống văn minh ở Hà Nội cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hơn 90% đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, các nghi thức rườm rà, lạc hậu cơ bản không còn. Mô hình “Đám cưới điểm”, “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”… được triển khai thành công ở nhiều địa phương. Như huyện Đan Phượng, sau nhiều năm bền bỉ vận động, từ 10 “Đám cưới điểm” đầu tiên, đến nay, mô hình này đã được hơn 1.000 cặp đôi áp dụng. Đặc biệt, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã lan tỏa những thói quen, hình ảnh đẹp trong đời sống của người dân… 
 
Cùng những chuyển biến trong thực hiện việc  cưới, tang văn minh, việc triển khai Chỉ thị 03-CT/TU về công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Hà Nội hiện có 1.206 lễ hội truyền thống trên tổng số hơn 8.000 lễ hội của cả nước. Trong đó, có một số lễ hội lớn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như lễ hội Chùa Hương, Tây Phương, Hai Bà Trưng, lễ hội đền Gióng... Thành phố đã tập trung chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội diễn ra ở tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để chấn chỉnh kịp thời mọi vi phạm. Nhờ đó, các hoạt động "buôn thần, bán thánh"; các hình thức cờ bạc, bói toán, nhập thần, dựng tượng trái phép giảm nhiều. 
 
Ngoài ra, so với nhiệm kỳ trước, những tồn tại như: nguy cơ cháy nổ từ việc đốt vàng mã, ùn tắc giao thông, rác thải gây ô nhiễm, chặt chém và chèo kéo khách ở các di tích, tình trạng xô xát trong lúc cướp lộc từ kiệu rước ở một số lễ hội đã được khắc phục .
 
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
 
Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2011-2015 đã và đang góp phần tích cực trong việc vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống, hạn chế những tiêu cực phát sinh, phát huy những yếu tố tích cực mới. Quá trình tạo dựng những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, đòi hỏi những nỗ lực bền lâu, liên tục, nhất là phải bắt đầu từ lớp trẻ. 
 
Một tín hiệu vui với xây dựng văn hóa, con người Hà Nội từ năm 2011, ngành giáo dục thành phố đã triển khai dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho học sinh ở tất cả các cấp học trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các cấp học trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Khi những mầm non của Thủ đô, những chủ nhân tương lai của thành phố được quan tâm rèn giũa việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội, thì càng củng cố niềm tin vào việc hình thành nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô trong thời đại ngày nay.
 
Trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội là tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng... 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở: Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t