Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Vẫn còn nhiều việc phải làm (11:00 30/07/2020)


HNP - Sau 5 năm (2016-2020) kiên trì mục tiêu sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả, giá trị canh tác cao. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố chủ yếu là quy mô nhỏ. Để có những vùng sản xuất tập trung hàng hóa, quy mô lớn vẫn còn nhiều việc phải làm.

Mô hình trồng hoa chất lượng cao trên địa bàn huyện Thạch Thất


Xuất hiện nhiều mô hình tốt

Tận dụng tiềm năng, lợi thế, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn, nhiều nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã nhạy bén đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Hiệu, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) là một minh chứng. Nhận thấy việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đem lại hiệu quả rõ nét, ông Hiệu đã đầu tư xây dựng 18 lò ấp trứng với công suất 2 vạn quả/mẻ/lò và hệ thống chuồng trại chăn nuôi 15.000 con gà đẻ trứng và nuôi 10.000 con gà thương phẩm. Ngoài đem về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông Hiệu còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Hay mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Hoàng Minh Ngọc, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) cũng là một trong những điểm sáng của thành phố Hà Nội. Ông Ngọc cho biết, mô hình chăn nuôi giống gà và gà thực phẩm của ông thực hiện theo quy trình VietGAP. Trung bình, mỗi năm trang trại nuôi 25.000 con gà đẻ trứng, 27 lò ấp trứng với công suất 2 vạn quả/mẻ/lò, cung cấp 1,8 triệu con giống cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố cũng được đẩy mạnh. Đơn cử, mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) với diện tích vỏn vẹn 661m2 đang sản xuất trên 2 triệu cây giống. Còn diện tích nhà màng, nhà kính của hợp tác là là 4.500m2 sản xuất 50.000 cây giống cho các cơ sở nuôi trồng đến khi ra hoa và 20.000 cây nuôi trồng tại cơ sở đến khi ra hoa. Cũng với phương châm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm, nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư dây chuyền công nghệ với công suất hiện nay là 1,5 tấn/ngày (công suất tối đa của nhà máy có thể đạt 3 tấn/ngày). Hiện nay, nhà máy đang giải quyết việc làm ổn định cho 25 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Còn trong nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn thành phố đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao tại các xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa), Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ), Sài Sơn (huyện Quốc Oai)… cho năng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, cụ thể năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 3,5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 400 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, mô hình sông trong ao là mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá của Israel, với bể có thể tích 250m3 nước có thể đạt năng suất 25-30 tấn thủy sản/năm, lợi nhuận thu được từ 200-300 triệu đồng/bể. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm như dễ dàng kiểm soát được môi trường, dịch bệnh cho thủy sản, kiểm soát chất lượng sản phẩm…

Thúc đẩy sản xuất quy mô lớn

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bằng việc sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… Đến nay, trên địa bàn thành phố có có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình lĩnh vực chăn nuôi 15 mô hình lĩnh lực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển sản xuất của thành phố.

Về những khó khăn trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, đó là do hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường trong các vùng, khu sản xuất nông nghiệp đầu tư thiếu đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, năng lực, trình độ còn hạn chế; tỷ lệ người lao động trực tiếp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Về đất nông nghiệp phần lớn đều do hộ gia đình quản lý có quy mô nhỏ, trong khi đó, lại thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp để thực hiện đầu tư và ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu, thời tiết, vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng lãi suất còn cao, việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn. Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa thật sự thông thoáng, nhiều thủ tục phức tạp. Do đó, đồng chí đề xuất, cùng với cơ chế khuyến khích người dân, hợp tác xã liên kết với nhau xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì việc hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao và định hướng thị trường tiêu thụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Khẳng định ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của nông nghiệp đô thị, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất. Lấy người sản xuất, chủ trang trại, người nông dân là nòng cốt trong đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững. “Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, Sở cũng đã kiến nghị chính sách về vốn đầu tư, tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục hoàn chỉnh vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm có tính định hướng sản xuất nông sản thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng…”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t