Tích cực xây trường, bảo đảm chỗ học cho học sinh (10:01 08/07/2020)


HNP - Vấn đề giải quyết quá tải trường học, đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh là nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin, giải đáp tại buổi giao ban báo chí, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức vào chiều 7/7.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng hơn năm học trước


38 trường mới cho năm học 2020-2021
 
Năm học 2019-2020, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục Thủ đô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học với mục tiêu vừa chống dịch, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục. Cụ thể, toàn thành phố có 2.748 trường mầm non và phổ thông với hơn 2 triệu học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 71,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Học sinh Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 144 giải quốc gia; 338 giải và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
 
Bước sang năm học 2020-2021, quy mô học sinh Thủ đô tăng thêm khoảng 68.000 học sinh. Công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được khẩn trương triển khai với mục tiêu đáp ứng đủ chỗ học và tiếp tục nâng cao chất lượng. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, thành lập mới 38 trường học ở các cấp học với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng; khối trực thuộc có 72 trường được cải tạo với kinh phí 445 tỷ đồng; thành phố cũng cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới với số tiền là 804.733 triệu đồng.
 
Nhằm chuẩn bị cho việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chọn sách giáo khoa lớp 1 và đang triển khai công tác bồi dưỡng cho 27.000 cán bộ quản lý, 9.000 giáo viên dạy lớp 1 về sử dụng sách giáo khoa mới. 
 
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh
 
Tại buổi giao ban, trả lời cơ quan báo chí về việc thành phố Hà Nội có hơn 104.000 học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp THCS, nhưng tỷ lệ chỉ tiêu được tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập chỉ chiếm 62%, số thí sinh còn lại học có chỗ học hay không, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố có gần 89.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10, còn khoảng 15.000 học sinh không đăng ký dự thi, nhiều hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát, thống kê về nguyện vọng học tập của những học sinh này. Theo đó, các em đã đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại đăng ký theo học ở 38 trường trung cấp nghề.
 
Cũng liên quan đến nội dung xét tốt nghiệp THCS, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhận định: Với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi, thì sẽ có 65.000 học sinh đỗ. Như vậy, là tỷ lệ đỗ rất lớn, học sinh không nên quá lo lắng. Thành phố Hà Nội có đủ các loại hình trường học, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh hiện nay.
 
Đối với tình trạng quá tải học sinh tại quận Hoàng Mai dẫn đến việc học sinh tiểu học phải học luân phiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định: Năm nay, quận Hoàng Mai xây dựng thêm 6 trường học nên sẽ góp phần giảm tải học sinh ở nhiều trường. Tuy nhiên, vấn đề quá tải trường học không phải chỉ diễn ra ở địa bàn này mà là vấn đề chung của toàn thành phố, bởi số học sinh hằng năm tăng khá nhanh, riêng quận Hoàng Mai tăng trung bình 5.000 học sinh/năm, vì vậy, vấn đề trường, lớp cần phải được tháo gỡ dần.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t