Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và công nghệ mới (14:40 08/11/2019)


HNP - Sáng 8-11, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Siêu thị Big C Thăng Long tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Lễ ký kết ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã


Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nhằm đẩy mạnh kết nối rộng rãi tiêu thụ nông sản, sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền đến với người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam liên hệ với các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP, nông sản sạch an toàn, rõ xuất xứ, nguồn gốc tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hệ thống siêu thị. Sự “bắt tay” của doanh nghiệp, nhà phân phối sẽ thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của các tỉnh, thành phố phát triển bền vững.
 
Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.749 sản phẩm. Tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.583 tỷ đồng. Đến nay, cả nước đã có 9 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 470 sản phẩm OCOP, trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm đề xuất 5 sao, 160 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương đầu tiên của cả nước đã vận động, thành lập Hội doanh nhân OCOP của tỉnh. Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều hoạt động hội chợ OCOP đã được tổ chức nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều địa phương chưa khai thác được các tiềm năng, sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn còn chậm. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các địa phương chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường còn chưa được coi trọng.
 
Theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Siêu thị Bic C Thăng Long - Hà Nội cho biết: Các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất không ổn định và thường xuyên bị đứt hàng. Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại như Big C.
 
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt với ba thách thức lớn gồm: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất bình thường ảnh hưởng đến sản xuất; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước. Hiện nay, đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc do những tồn tại từ nội tại sản phẩm và cả những lý do khách quan. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết.
 
Các chuyên gia nhận định, thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t