Hà Nội: “4 tại chỗ” ứng phó cháy rừng mùa khô hanh (16:30 14/10/2019)


HNP - Hiện nay, các tỉnh phía Bắc, trong đó, có thành phố Hà Nội bắt đầu vào mùa khô hanh. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy, giảm nhẹ thiệt hại, các cấp, các ngành thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, của nhân dân, chủ động ứng phó chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Cảnh giác cao nguy cơ cháy rừng

Toàn thành phố Hà Nội có hơn 27.159ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Rừng Hà Nội có các loại: Rừng đặc dụng hơn 10.964ha, rừng phòng hộ hơn 5.865ha, rừng sản xuất hơn 9.856ha; diện tích rừng ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 473ha. Rừng ở Hà Nội được phân bổ tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn. Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố là rất cao. Bởi rừng trên địa bàn thành phố gắn liền với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch sinh thái, khu dân cơ có đông người sinh sống. Mặt khác, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài cũng là một trong những nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào nếu như không thực hiện tốt các giải pháp, biện pháp PCCC rừng.

Xác định rõ những hệ lụy của cháy rừng, hàng chục năm sau không dễ dàng khắc phục, vì thế, việc chủ động PCCC rừng trong nhiều năm qua được thành phố đặc biệt quan tâm, nhất là vào mùa khô hanh, nguy cơ cháy rừng dễ xảy ra. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, cảnh giác cho người dân về PCCC rừng là một trong những giải pháp được các cấp, các ngành thành phố chú trọng. Riêng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, Sở NN&PTNT đã tổ chức 396 lớp tập huấn về công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã. Cùng với đó, Sở giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương có rừng đẩy mạnh tuyên truyền trên loa truyền thanh, phát 14.545 bản tin về PCCC, cảnh giác với cháy rừng. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, tài liệu, tổ chức nhiều hội nghị, diễn tập PCCC rừng.

Tại các huyện, thị xã có rừng cũng đã tổ chức họp dân, vận động nhân dân cam kết thực hiện tốt công tác PCCC rừng, trồng rừng mới, khoanh nuôi tái sinh rừng… Khi xảy ra cháy rừng, ngoài phát hiện kịp thời, các địa phương đã huy động tối đa lực lượng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố huy động lực lượng nhanh chóng, kịp thời, phát huy tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy rừng. Đáng chú ý, công tác phối kết hợp giữa các lực lượng được hiệp đồng chặt chẽ, chỉ huy thống nhất nên các đám cháy, vụ cháy rừng xảy ra được dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng...

Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”

Phân tích tình hình PCCC rừng mùa khô hanh năm nay, theo Sở NN&PTNT khả năng thời tiết sẽ diễn biến phức tạp nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Thời gian qua, tại các tỉnh phía Bắc, trong đó, có thành phố Hà Nội nhiều ngày không có mưa, độ ẩm không khí tương đối thấp từ 45 đến 50%, dự báo cấp cháy rừng thường xuyên duy trì ở cấp nguy hiểm (cấp IV - “Thời tiết hanh khô, hạn kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh”), cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V - “Thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng”). Vì vậy, mọi công tác PCCC rừng của thành phố luôn đặt trong tư thế sẵn sàng để hạn chế tối đa tình trạng rừng bị cháy. Thực tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một vài đám cháy nhỏ, nhưng đã được phát hiện dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại lớn về kinh tế và tài nguyên rừng.

Qua tìm hiểu được biết, để chủ động trong công tác PCCC rừng, bước vào mùa khô hanh năm nay, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã có rừng hiệp đồng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng. Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, hầu hết các địa phương có rừng đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhân cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCC rừng cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng cháy rừng. Rà soát, kiểm tra, đánh giá phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCCC rừng. Phân công lãnh đạo địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng, bố trí lực lượng PCCC rừng, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”…

Không chỉ có vậy, thực hiện nhiệm vụ trên, các lực lượng quân đội, công an, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCCC rừng mùa khô hanh năm 2019-2020. Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, đơn vị đã giao các hạt kiểm lâm phụ trách địa bàn có rừng tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm phương án PCCC rừng đã được xây dựng, đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế… “Chúng tôi luôn chủ động trong mọi tình huống, kể cả về phương tiện, lực lượng kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại thấp nhất tài nguyên rừng và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản. Khi xảy ra cháy, toàn bộ lực lượng PCCC rừng sẽ được huy động theo nguyên tắc “4 tại chỗ” để hiệu quả chữa cháy đạt cao nhất” - ông Lê Minh Tuyên nhấn mạnh.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t