Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (22:28 05/10/2019)


HNP - Nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên ổn định cuộc sống. Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có những giải pháp cấp bách nhằm thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi.

Diện mạo mới tại xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức


Những năm trước đây, do cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS ở các huyện ngoại thành còn thấp kém, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, tập quán canh tác còn lạc hậu, thiếu vốn đầu tư sản xuất… nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
 
Trong những năm qua, UBND TP đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Thành phố cũng chỉ đạo các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức xây dựng nghị quyết chuyên đề của huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện cụ thể để chỉ đạo thực hiện.
 
Với những mục tiêu rõ ràng, thành phố đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở 14 xã vùng đồng bào DTTS, bao gồm các lĩnh vực: Trường học, y tế, nước sinh hoạt, văn hóa, thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, chợ dân sinh. Trong giai đoạn 1 đã đầu tư 186 nhóm dự án cho 14 xã vùng đồng bào DTTS miền núi với tổng số tiền 2.012 tỷ đồng. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, giải ngân, song từ năm 2013 đến 2015, thành phố bố trí 837,5 tỷ đồng cho 105 dự án. Đến nay, đã có hàng trăm công trình đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho người dân vùng đồng bào dân tộc.
 
Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND Thành phố đã nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo trên địa bàn xã khu vực II từ định mức của Chính phủ là 80.000 đồng lên 150.000 đồng/người/năm; xã khu vực III từ 100.000 đồng lên 200.000đồng/người/năm. Giai đoạn 2014-2018, thành phố Hà Nội đã bố trí 5,79 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. 
 
Để tạo động lực cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu thành phố đã bố trí gần 2.500 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho gần 7.300 lượt hộ DTTS nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm với số tiền là 214,2 tỷ đồng.
 
Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi còn 3,7% dự kiến, hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 3%. Với cách làm bài bản, sáng tạo đó nên các xã vùng DTTS, miền núi của Thủ đô luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 12%/năm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư có hiệu quả. Đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 53,22% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
 
Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì
 
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, thành phố còn quan tâm chăm lo phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn. Xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo các quận nội thành hỗ trợ cho các xã vùng dân tộc, miền núi xây dựng 46 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng. Các huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu các môn thể thao truyền thống. Các huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS miền núi Thủ đô, nhất là về mức sống vẫn còn khoảng cách khá xa so với vùng đồng bằng đô thị. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo của một số xã còn cao. Cơ cấu kinh tế tuy có tiến bộ nhưng sự chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
 
Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh cho biết, để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS của thành phố; phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, từng bước đưa trình độ phát triển các xã vùng dân tộc miền núi cơ bản ngang bằng với mức bình quân vùng nông thôn của thành phố. Đi đôi với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với đặc điểm từng thôn, xã.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t