Phát triển hệ thống thủy lợi ở Hà Nội: Nhiều khó khăn, thách thức (10:21 03/09/2019)


HNP - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi để chủ động cấp, tiêu nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những thách thức đối với công tác thủy lợi đặt ra thời gian tới là rất lớn.

Nỗ lực cải thiện phục vụ sản xuất, dân sinh

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hệ thống thủy lợi của thành phố hiện có 35.190 tuyến dẫn, chuyển nước, 2.213 trạm bơm, 95 hồ chứa nước, 117 đập dâng, 48.772 cống, xi phông, cầu máng..., bảo đảm cấp nước tưới chủ động cho 112.715ha sản xuất nông nghiệp. Hệ thống này còn đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 212.889ha sản xuất nông nghiệp và dân cư khu vực nông thôn. Trước năm 2017, thành phố giao các doanh nghiệp thủy lợi quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh, liên huyện, liên xã và một số công trình đầu mối, các hồ chứa có dung tích từ 500.000m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập từ 12m trở lên, đập dâng có chiều cao từ 10m trở lên. UBND các quận, huyện, thị xã quản lý hệ thống thủy lợi độc lập, các hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 500.000m3, hoặc chiều cáo đập dưới 12m, đập dâng có chiều cao dưới 10m và hệ thống thủy lợi nội đồng. Nhưng từ năm 2017 đến nay, thành phố thống nhất quản lý toàn bộ lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, xác định thủy lợi là mặt trận hàng đầu để phát triển nông nghiệp, phục vụ dân sinh, xã hội, Sở đã tham mưu thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Theo đó, thành phố đã thực hiện đổi mới, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi cho phù hợp, nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý đặt hàng. Cùng với đó, UBND thành phố cho phép thành lập Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban là cơ quan trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng, kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng đặt hàng, nghiệm thu thanh lý hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Ngoài việc chỉ đạo tổ chức xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thành phố luôn quan tâm đầu tư để cải tạo và xây dựng mới các công trình thuỷ lợi. Từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 800 công trình thủy lợi được đầu tư cải tạo sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thủy lợi cũng đã sử dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi.

Nhờ quan tâm đầu tư của Trung ương và thành phố, một số hồ chứa trên địa bàn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, như: Hồ chứa nước Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây) với kinh phí 71 tỷ đồng; hồ chứa nước Đồng Sương (huyện Chương Mỹ) với kinh phí 67 tỷ đồng; hồ chứa nước Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) với kinh phí hơn 26 tỷ đồng...

Chưa hết, để khắc phục tình trạng úng ngập, hạn hán xảy ra trên diện rộng, thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, như: Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (tiêu thoát nước cho 6.300ha khu vực phía Tây thành phố Hà Nội); đồng thời, triển khai các công trình theo quy hoạch, như: Nạo vét trục chính sông Nhuệ; xây dựng, cải tạo các trạm bơm Nhân Hiền, Lễ Nhuế II, Bình Phú, Xém, Ngoại Độ, Đan Hoài, Hồng Vân... Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng hiệu quả đối với các diện tích trồng màu và cây ăn quả của thành phố.

Khắc phục hạn chế, khó khăn

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm nhiều các hạng mục công trình, hệ thống thủy lợi lớn, đa dạng và phức tạp phục vụ công tác tưới, tiêu, phòng chống úng, ngập và môi trường, dân sinh. Trong khi, hệ thống công trình thủy lợi hiện có qua nhiều năm khai thác, do tác động của thiên nhiên và con người, cùng với sự hạn chế của nguồn vốn đầu tư hiện đã và đang ở trong tình trạng xuống cấp. Thời gian qua, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã giảm nhiều so với các năm trước, tuy vậy, vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là trên trục chính các sông, kênh, hồ chứa. Đa phần các công trình thủy lợi chưa có mốc giới cụ thể phân định rõ ranh giới, phạm vi các công trình thủy lợi… 

Mặt khác, do quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố thời gian qua dẫn đến việc xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi ngày càng phức tạp. Hiện nay, theo thống kê của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, trong tổng số 1.869 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi do các doanh nghiệp quản lý, có rất ít cơ sở sản xuất, bệnh viện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải, số còn lại đều không có giấy phép.

Trên địa bàn thành phố có 95 hồ chứa, nhưng đập đều là đập đất, qua thời gian dài đưa vào khai thác sử dụng, nhiều hồ chứa đã xuống cấp, nhiều hồ chứa nước nhỏ chưa được xây dựng quy trình vận hành. Các hư hỏng chủ yếu do: Lòng hồ bồi lắng làm giảm dung tích hồ chức; thân đập bị thấm, xuất hiện các tổ mối, cổng lấy nước hư hỏng, xuống cấp…

Trước những yêu cầu về phát triển của các ngành kinh tế, dân sinh, phòng, chống lũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thành phố Hà Nội cần huy động nguồn đầu tư cho hệ thống thủy lợi, như: Quan tâm đầu tư xây dựng các dự án trạm bơm tiêu Đông Mỹ, Yên Thái, cụm công trình đầu mối Liên Mạc, các trạm bơm Phù Đổng, Phương Nhị, Cự Thần, An Mỹ 1, Bộ Đầu..., để phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng, chống úng ngập, kịp thời ứng phó với diễn biến khó lường của thiên tai.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t