Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây: Khắc phục tình trạng không rõ nguồn gốc (15:59 12/08/2019)


HNP - Việc duy trì triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” tiếp tục đạt được những kết quả rõ nét. Qua đó, khắc phục tình trạng trái cây bán tràn lan mà không rõ nguồn gốc, nhãn mác, gây khó khăn cho công tác quản lý…

Nhiều chuyển biến rõ nét

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn 12 quận nội thành có 798 cửa hàng kinh doanh trái cây. Đáng chú ý, có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước khi thực hiện Đề án chỉ có 30% cửa hàng có giấy phép đăng ký kinh doanh). Hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây trong nội thành tham gia Đề án đều bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) và các tiêu chí theo quy định. Liên quan đến xác nhận kiến thức về ATTP có 3.070/3.074 người kinh doanh tham gia Đề án đã thực hiện, đạt tỷ lệ 99,87% (trước khi thực hiện Đề án có 62,4% được xác nhận kiến thức về ATTP). Về thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP (trước khi thực hiện Đề án đạt 30%).

Còn về trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh: 798/798 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước khi thực hiện Đề án là 67%); 756/798 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây, đạt tỷ lệ 94,74% (trước khi thực hiện Đề án là 50%); 798/798 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây, đạt tỷ lệ 100% (trước khi thực hiện Đề án là 84%); 753/798 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây, đạt tỷ lệ 94,36% (trước khi thực hiện Đề án là 50%); 798/798 cửa hàng có thiết bị vệ sinh cơ sở, đạt tỷ lệ 100% (trước khi thực hiện Đề án là 84%). Đáng nói, việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây được thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm tra, có 620/798 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79,49% (trước khi thực hiện Đề án, con số này là 38%).

Công tác cấp biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng, theo đánh giá của cơ quan chức năng là đã đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. 6 tháng năm 2019, UBND các quận nội thành Hà Nội đã tiến hành gia hạn và cấp mới biển nhận diện đối với các cửa hàng đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. UBND các quận nội thành đã thực hiện gia hạn và cấp mới biển nhận diện cho 780/798 cửa hàng (trong đó, gia hạn 732 cửa hàng và cấp mới 48 cửa hàng), đạt tỷ lệ 97,74%. Trên địa bàn các quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hà Đông còn 18 cửa hàng kinh doanh trái cây mới mở chưa được cấp biển nhận diện. Hiện UBND các quận này đã kiểm tra điều kiện cấp biển nhận diện đối với các cửa hàng, dự kiến UBND các quận sẽ cấp biển nhận diện cho các cửa hàng trong thời gian tới.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND các quận đã duy trì thực hiện thí điểm các tuyến phố không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè. Trên địa bàn thành phố đã xây dựng thêm 7 tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, qua đó, nâng tổng số tuyến phố thí điểm không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè lên 40 tuyến phố. Hiện nay, UBND các quận đang tiếp tục rà soát, triển khai xây dựng thêm các tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè; các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Duy trì, kiểm soát chặt chẽ chất lượng

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, cũng bộc lộ một số khó khăn. Theo Sở Công Thương, hiện nay, đối với cấp quận, cấp phường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, còn hạn chế về kiến thức chuyên môn nên quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn, còn phải đôn đốc nhắc nhở. Mặt khác, nguồn hàng cung cấp trái cây vào thành phố được hình thành qua rất nhiều kênh: Đường hàng không, đường bộ, qua các chợ đầu mối..., trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng, do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện, tuy nhiên vẫn còn một số người tiêu dùng giữ thói quen mua sắm tại các chợ cóc, chợ tạm hoặc một số cửa hàng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có trang thiết bị bảo quản, chất lượng trái cây không bảo đảm.

Khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ trình thành phố phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020” và tổ chức triển khai thực hiện sau ngay khi được phê duyệt. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây tại các chợ đầu mối. Trong đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát tại các chợ có tính chất đầu mối, tiến tới cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối và các chợ có tính chất đầu mối…
Còn UBND các quận nội thành chỉ đạo các phòng, đơn vị, UBND các phường, các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án trái cây. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người tiêu dùng về Đề án trái cây. Thường xuyên rà soát, nắm bắt, cập nhật cơ sở dữ liệu, thực trạng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây, những cửa hàng kinh doanh trái cây mới mở và cửa hàng ngừng hoạt động trên địa bàn quận, bảo đảm 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của Đề án và được cấp biển nhận diện.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Ban chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng quận cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng; triển khai nhân rộng xây dựng các tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng trái cây; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố bảo đảm đúng quy định hiện hành.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t