Hà Nội: Phấn đấu 70 -75% lao động qua đào tạo vào năm 2020 (09:38 07/06/2019)


HNP - Đây là mục tiêu của Hà Nội trong đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Trong 5 năm qua, triển khai đào tạo nhân lực có tay nghề cao, số lượng học sinh, sinh viên vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tăng đều theo từng năm. Giai đoạn từ 2014 - 2018, số lượng người qua đào tạo đạt 891.153 lượt người (bình quân mỗi năm đạt 178.230 lượt người); số lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 148.992 lượt người năm 2014 lên 212.789 lượt người năm 2018.

Chất lượng dạy nghề cũng như cơ cấu ngành nghề đang dần đáp ứng theo nhu cầu thị trường lao động. Điều này giúp cho người học nghề dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và các doanh nghiệp không phải đào tạo lại cho người lao động mới được tuyển dụng.

Trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các lao động được đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng có khả năng vận hành máy móc thiết bị, công nghệ. Họ cũng chính là nguồn lao động có tay nghề trình độ chuyên môn cao. Đến nay, Hà Nội có 197.496 người lao động đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp, cao đẳng trở lên (chiếm 22,16%).

Bên cạnh nguồn nhân lực được đào tạo về chuyên môn, có kỹ năng tay nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển.

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn từ năm 2014-2018, toàn thành phố Hà Nội đã có 116.624 lao động được tham gia học nghề. Trong đó, có 67.257 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp (chiếm 57,84%), còn lại 49.367 lao động được học các nghề phi nông nghiệp (chiếm 42,16%); có 100.772 lao động nông thôn (chiếm 86,6%) được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề. Các lao động nông thôn sau khi hoàn thành khóa học nghề đã tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước đây.

Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng hiệu quả và cho thu nhập cao hơn, cũng như tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Chất lượng lao động nông thôn có tay nghề cao ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.

Với kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2014 - 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng bước nâng lên, đạt từ 49,72 % năm 2014 lên 63,18% năm 2018. Hà Nội phấn đấu đạt 70 -75% lao động qua đào tạo vào năm 2020.


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t