Củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều Hà Nội: Cần thiết và cấp bách (06:27 01/06/2019)


HNP - Hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống lũ, bão. Mặc dù, thành phố quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp để phòng chống lụt bão, nhưng vẫn còn đó những mối lo khi một số đoạn đê, tuyến đê bị xuống cấp. Đáng lo ngại hơn khi mùa mưa lũ 2019 đã cận kề và ẩn chứa những yếu tố rủi ro khó lường.

Tiềm ẩn những mối lo

Thành phố Hà Nội có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình với 7 con sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy và các sông nội địa: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà... Hệ thống đê điều của thành phố đi qua địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã với 224/584 xã, phường, thị trấn ven đê, được xây dựng, tu bổ, nâng cấp qua hàng nghìn năm nay. Hầu hết các tuyến đê sông đều được đắp trên nền đất yếu, thường xuyên bị tác động bởi mưa, lũ, gió bão. Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt của thành phố đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế. Đối với các tuyến đê cấp IV, đê cấp V và đê chưa được phân cấp, hiện trạng còn thiếu cao trình chống lũ từ 0,5m đến 2,5m theo quy hoạch. Trong đó, cao trình chống lũ của tuyến đê tả Bùi còn thiếu từ 0,5m đến 1,5m; cao trình chống lũ của tuyến đê hữu Bùi và các tuyến đê bao còn thiếu từ 1,5m đến 2,5m...

Về mặt cắt ngang một số tuyến đê trên địa bàn thành phố cũng chưa bảo đảm. Tuyến đê hữu Hồng đi qua khu vực nội thành, tuyến đê tả Hồng, hữu Đuống (quận Long Biên) mặt cắt ngang đê đã hoàn chỉnh. Các tuyến đê còn lại, một số đoạn mặt cắt chưa hoàn chỉnh, đê cao trên 5m nhưng còn thiếu cơ phía sông hoặc phía đồng. Các tuyến này những năm vừa qua đã được đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt đê, tuy nhiên, chưa có điều kiện đầu tư toàn tuyến nên một số đoạn mặt cắt đê hoàn chỉnh. Trong thân đê còn tiềm ẩn nhiều ẩn họa như: Tổ mối, tổ chuột, dị tật... Một số đoạn đê đã được khoan phụt vữa gia cố thân đê để tạo màng chống thấm, chống thẩm lậu. Tuy nhiên, khi mực nước báo động 2, nhiều đoạn đê bắt đầu xuất hiện thấm mái đê ở mức độ nhỏ và tăng dần khi mực nước cao hơn và thời gian ngâm lũ dài hơn.

Đối với các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt trên địa bàn thành phố mặt đê đã cơ bản được cứng hóa. Các tuyến đê cấp IV cũ cũng đã được cứng hóa mặt đê, nhưng các tuyến đê cấp IV mới được phân cấp, đê cấp V, thì chưa được phân cấp nên mặt đê nhỏ hẹp, nhiều tuyến chưa được cứng hóa đồng bộ. Do đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, những vùng ven đê tập trung nhiều dân cư sinh sống, phương tiện giao thông khá nhiều. Trong đó, có nhiều xe trọng tải lớn lưu thông trên đê đã làm hư hỏng mặt đê, gây nứt thân đê.

Đáng ngại, một vài vị trí trên các tuyến đê hữu Hồng vào mùa lũ thưỡng xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, bùng nhùng. Còn 194 cống dưới đê, hầu hết đã xây dựng từ lâu, trong đó, có 33 cống đã xuống cấp, cần sửa chữa phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Đặc biệt, cống Cẩm Đình trên đê Vân Cốc thời gian quan xuất hiện mạch đùn, mạch sủi dưới cống. Sự cố này được đánh giá là nghiêm trọng, xuất hiện ở cả thượng và hạ lưu cống khi có chênh lệch mực nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường nên lượng nước về mùa kiệt và mùa lũ có sự chênh lệch, bên cạnh đó, do ảnh hưởng của việc điều tiết liên hồ chứa (Lai Châu - Sơn La - Hòa Bình - Tuyên Quang) đã gây ra nhiều hiện tượng sạt lở bờ sông, đê điều đe dọa đến an toàn đến công trình đê điều và tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống ven bờ sông.

Ưu tiên củng cố, nâng cấp đê

Để bảo vệ Thủ đô, thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố, hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện. Theo tính toán, tổng kinh phí đã được đầu tư giai đoạn 2012 - 2019 là hơn 4.786 tỷ đồng. Trong đó: Tôn cao, áp trúc, đắp cơ đê và lấp đầm, ao, hồ ven đê khoảng 9,5km với kinh phí gần 117,6 tỷ đồng; xử lý thân đê, nền đê yếu 6,5km với kinh phí 5 tỷ đồng; khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa thân đê hơn 98,3km với kinh phí hơn 98 tỷ đồng. Thành phố cũng đã thực hiện cứng hóa hơn 193km mặt đê với kinh phí hơn 1.740 tỷ đồng; làm đường hành lang chân đê hơn 183,3km với kinh phí 346,5 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp và xây mới kè bảo vệ bờ sông, mái đê hơn 91,7km với kinh phí hơn 2.169 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo sửa chữa, xây mới thay thế 4 cống qua đê với kinh phí 29,5 tỷ đồng; nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị quản lý (trang thiết bị, điếm canh đê, trụ sở hạt, kho vật tư,...) với kinh phí hơn 132 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Bộ NN&PTNT, trong điều kiện diễn biến bất thường của thời tiết, với thực trạng đê điều của Hà Nội thì việc củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông để phòng chống lụt bão là cần thiết và cấp bách.

Qua tìm hiểu, để bảo đảm an toàn đê điều trên địa bàn thành phố phục vụ công tác phòng chống thiên tai có hiệu quả, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã tham mưu cấp có thẩm quyền đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tăng mức đầu tư từ nguồn kinh phí tu bổ đê điều do Bộ này quản lý; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ thành phố Hà Nội để thực hiện các hạng mục của Chương trình nâng cấp đê sông và triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Chưa hết, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tham mưu với Sở NN&PTNT, UBND thành phố quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án duy tu, sửa chữa, các dự án cấp bách; xóa bỏ các trọng điểm xung yếu; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý đê điều, như: Cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê, xây dựng điếm canh đê, kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, trụ sở các hạt quản lý đê,...

Đối với sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà, trong bối cảnh biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều những trận mưa với cường độ lớn gây ngập lụt tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất,... xác định các giải pháp khắc phục, như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đặc biệt là nghiên cứu giải pháp ngăn lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đổ về. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp, tu sửa, xây dựng mới một số công trình đê điều, thủy lợi, tiêu thoát úng đáp ứng theo quy hoạch. Còn về lâu dài, cần quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.


Minh Huệ


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t