Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (15:50 20/04/2019)


HNP - Sau 5 năm (2014 - 2018) thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các quy định hướng dẫn thi hành Luật, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tập trung tuyên truyền các quy định về Hòa giải ở cơ sở, quan tâm xây dựng các mô hình tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải tại cộng đồng. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

5 năm qua, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các quy định hướng dẫn thi hành Luật, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định về Hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ như: Tuyên truyền miệng, tọa đàm, sinh hoạt CLB, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi,… cùng với đó là tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản Luật liên quan. Trong 5 năm, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tổ chức 3.231 buổi tập huấn, tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho 484.750 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, phát 2.250 cuốn Luật Hòa giải ở cơ sở. 
 
Hiện nay, tổng số tổ hòa giải tại 584 xã, phường thị trấn trực thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố là 5.444 tổ, tổng số hòa giải viên được bầu và công nhận là 35.053 người, trong đó, hòa giải viên nữ là 13.518 người, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số là 748 người. Để công tác hòa giải ở cơ sở có hiệu quả, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như: 30 Câu lạc bộ “Phụ nữ và pháp luật”, 15 CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, 21 CLB “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, 10 nhóm “Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”,… các thành viên CLB, nhóm nòng cốt tích cực nắm bắt tình hình dư luận trong cán bộ, hội viên, chủ động tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Hàng năm, tổ chức đánh giá hoạt động các mô hình, trên cơ sở đó nhân diện thêm 89 CLB “Phụ nữ và pháp luật”, 4 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật ở 4 xã thuộc huyện Hoài Đức, Thạch Thất.
 
Thực hiện Điều 30, 34 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, năm 2014, Hội LHPN Hà Nội còn chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tham gia phòng chống bạo lực gia đình”. Đến nay, đã có 584/584 xã, phường, thị trấn thành lập được 1.883 địa chỉ tin cậy, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã phát huy tốt vai trò hòa giải được 7.694 vụ việc mâu thuẫn gia đình. Để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ Hội, hòa giải viên tìm hiểu các thông tin pháp luật thực hiện nhiệm vụ truyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải ở cơ sở, Hội LHPN Hà Nội còn chỉ đạo các cấp Hội xây dựng hệ thống Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật. Hiện nay, các cấp Hội có 413 tủ sách, ngăn sách pháp luật do phụ nữ quản lý và sử dụng. 
 
Để tham gia xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật về hòa giải và liên quan, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội lựa chọn nội dung giám sát chính sách, pháp luật liên quan như: giám sát các nội dung về thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; giám sát về trách nhiệm của UBND các cấp thực hiện các quy định về hòa giải ở cơ, công tác giải quyết đơn thư liên quan đến phụ nữ, giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri… giám sát thực hiện Nghị định 39/CP/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số”; giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, giám sát việc triển khai tiêm chủng mở rộng và cho trẻ uống Vitamin A theo quy định… Những phát hiện sau giám sát được các cấp Hội phản ánh tới cơ quan chức năng kiến nghị giải quyết kịp thời từ đó góp phần làm giảm những vụ việc mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư.
 
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố, thời gian tới, Hôi Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật liên quan; tuyên truyền miệng, tọa đàm, sinh hoạt CLB, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi… Tiếp tục xây dựng và duy trì các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như: Câu lạc bộ “phụ nữ và pháp luật”, CLB “phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, CLB “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, nhóm “phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”,… phát huy vai trò các thành viên CLB, nhóm nòng cốt tích cực nắm bắt tình hình dư luận trong cán bộ, hội viên, chủ động tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t