Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua Quỹ khuyến nông (14:19 16/04/2019)


HNP - Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội được thành lập với mục đích cho vay không vì mục đích lợi nhuận và với mức thu phí quản lý thấp nên đây là điều kiện thuận lợi để nhiều hộ gia đình vay vốn và mở rộng, phát triển sản xuất hàng hóa, từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong những năm qua, dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên nông dân, đa số các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giải ngân Quỹ khuyến nông đợt 3 năm 2018 tại Quốc Oai


Năm 2018, Quỹ khuyến nông Thành phố đã tiếp nhận và tổ chức thẩm định các phương án xin vay vốn của 20 quận, huyện, thị xã; tổng số hồ sơ thẩm định đạt yêu cầu là 287 phương án với số tiền xin vay là 88,862 tỷ đồng. Qua kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định các cấp, Giám đốc Quỹ đã ký hợp đồng cho vay 254 phương án với số tiền 78,507 tỷ đồng. Đã chuyển tiếp 33 phương án đã được duyệt vay với số tiền 10,355 tỷ đồng sang giải ngân vào đầu năm 2019 do không hoàn thiện kịp thủ tục thế chấp tài sản.
 
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2019, Quỹ Khuyến nông TP đã giải ngân các hộ vay vốn phát triển sản xuất được 20 hộ với số tiền là 6,295 tỷ đồng đối với các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ, Từ Liêm, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mỹ Đức. Đặc biệt, giải ngân cho 8 hộ vay vốn thực hiện cơ giới hóa với số tiền 2,615 tỷ đồng thuộc các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thanh Oai.
 
Tại huyện Ứng Hòa, để triển khai chương trình vay vốn Quỹ khuyến nông, Trạm khuyến nông huyện đã phân công cán bộ chuyên quản quỹ khuyến nông hướng dẫn các hộ hoàn thiện phương án vay vốn và giải ngân được cho gần 230 phương án với số tiền là trên 37 tỷ  đồng. Với nguồn vốn được vay cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật sản xuất của cán bộ Trạm, các hộ vay vốn ở các vùng chăn nuôi (Sơn Công, Vạn Thái, Hòa Xá, Đồng Tiến,…) hay các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (Trầm Lộng, Minh Đức, Trung Tú, Phương Tú,…) đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích đã góp phần tạo dựng các vùng sản xuất nông nghiệp bền vững có giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của gia đình.
 
Bà Nghiêm Thị Thủy, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) là một trong những hộ vay từ nguồn quỹ khuyến nông cho biết, gia đình bà đã vay vốn quỹ khuyến nông 2 lần, nhờ có nguồn vốn này mà gia đình bà đã có kinh phí để đầu tư mua thức ăn, con giống. Hiện, gia đình bà đã mở rộng thêm quy mô sản xuất để phát triển chăn nuôi lợn và nuôi trồng thủy sản cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 
 
Tại huyện Thạch Thất, Trạm khuyến nông huyện đã tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn huyện xây dựng phương án vay vốn. Trong năm qua, có 4 hộ gia đình đã được thẩm định và giải ngân gần 600 triệu đồng. Hiện tại, Trạm đã tiếp nhận thêm 9 phương án vay vốn của các hộ nông dân trên địa bàn. Các phương án, dự án vay vốn chủ yếu là chăn nuôi gia cầm và trồng thanh long. Trong quá trình cho vay, Trạm Khuyến nông Thạch Thất cử các cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.
 
Cùng với việc cho vay vốn, Trung tâm Khuyến nông còn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn hiệu quả. Năm 2018, đơn vị đã triển khai 26 mô hình nông nghiệp mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, có sức lan tỏa tích cực. Điển hình như mô hình trình diễn giống lúa mới HDT10, Lam Sơn 116 đạt năng suất, chất lượng cao; mô hình xây dựng cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô gần 400ha, đạt năng suất trên 60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 7-10%, lợi nhuận tăng 10%,...
 
Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp Công ty TNHH Kubota Việt Nam hỗ trợ các trạm khuyến nông xây dựng được 5 trung tâm sản xuất mạ khay tại huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Thanh Trì, với năng lực sản xuất 25.000-30.000 khay mạ/vụ/trung tâm; Hỗ trợ 3 nhà lạnh bảo quản nông sản (Phúc Thọ, Gia Lâm, Thạch Thất), 5 hệ thống tưới phun cho cây rau, hoa, quả tại Ứng Hòa, Thường Tín, Ba Vì, Gia Lâm, Thanh Oai,... Riêng với chăn nuôi, thủy sản, năm qua, Hà Nội đã xây dựng các mô hình tại 67 điểm với 384 hộ dân tham gia sử dụng thức ăn chăn nuôi vi sinh, hệ thống làm mát, ấm khép kín,… góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả cao.
 
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ mẫu biểu vay vốn đảm bảo đồng nhất, gọn nhẹ, phù hợp với quy định hiện hành của nhà nước. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý, tập huấn nghiệp vụ cho các hộ nông dân, chủ trang trại đã được vay vốn Quỹ Khuyến nông để sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhiều người có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay Quỹ khuyến nông.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t