Đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trong hội viên nông dân (19:07 15/06/2018)


HNP - Nhiệm kỳ 2013 - 2018, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố đã triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với phương châm: Lấy lợi ích kinh tế, quyền lợi thiết thực của nông dân làm phương thức, động lực hoạt động để thu hút, tập hợp, vận động hội viên.

Hội Nông dân Thành phố triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào, thực sự đi vào cuộc sống và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của hội viên vươn lên làm giàu chính đáng. Tính đến nay, toàn thành phố có 18/30 huyện, thị xã có tổ chức hội với 474.559 hội viên nông dân hiện sinh hoạt tại 409 cơ sở hội (gồm 2.642 chi hội và 5.365 tổ hội), 55 tổ hội nghề nghiệp với 852 thành viên. Hằng năm, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân Thành phố đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện; trong đó, chú trọng đổi mới nội dung hoạt động, tăng cường tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây Cam đường xã Kim An (Thanh Oai); trồng rau an toàn xã Văn Đức, trồng hoa ly xã Đa Tốn (Gia Lâm); chăn nuôi thủy sản xã Phú Đông (Ba Vì); phát triển cây bưởi Diễn xã Hữu Văn; chăn nuôi gà xã Lam Điền (Chương Mỹ); chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học xã Hồng Hà (Đan Phượng); trồng táo Đài Loan xã Di Trạch (Hoài Đức), các mô hình tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, trồng rau an toàn,… Qua đó đã phá vỡ thế độc canh sản xuất các loại cây giống, con giống truyền thống, chuyển nhanh sang đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề thủ công, phát triển dịch vụ, thương mại tại địa bàn.

Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội đã chủ động xây dựng những hộ đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm hội viên nòng cốt và là tuyên truyền viên trong các phong trào của hội và đa số những hộ này đều làm tốt vai trò nòng cốt của mình, luôn đi đầu trong các phong trào của Hội đề ra, tham gia sinh hoạt cùng tổ hội, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả để nhân rộng trong dân từ đó giúp các buổi sinh hoạt ở các tổ hội thêm phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo hội viên tham gia hoạt động đông về lượng, mạnh về chất. Có thể khẳng định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần tích cực cho các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Nhờ đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần khơi dậy trong mỗi hội viên nông dân ý chí, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu. Các hộ nông dân đã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khao học kỹ thuật vào sản xuất.

Qua tổng kết phong trào giai đoạn 2014 - 2016 đã có 83 tập thể và 1.556 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu. Ngoài ra, phong trào còn là bước tạo đà, là hiệu ứng tích cực cho các chương trình khác cùng phát triển. Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã phối hợp giúp đỡ 8.346 hộ thoát nghèo bền vững, đảm bảo không tái nghèo, ủng hộ xây mới, sửa chữa 163 căn nhà cho hội viên nghèo; tổ chức thăm hỏi, tặng 9.196 suất quà giá trị trên 2 tỷ đồng cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,…

Để thực hiện tốt “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, trong những năm tới, sẽ duy trì nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân ra sức xây dựng nông thôn mới. Tổ chức phong trào, phát động phong trào phải gắn với hỗ trợ; tổ chức phong trào gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; tổ chức phong trào gắn với đẩy mạnh biểu dương khen thưởng kịp thời. Những hộ nông dân làm kinh tế giỏi sẽ được kết nối cung cầu để nông dân sản xuất, doanh nghiệp kết nối để tiêu thụ. Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới sẽ hạn chế phát đông nông dân đóng góp vật chất, thay vào đó khuyến khích nông dân đóng góp ý tưởng, hiến kế xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng người nông dân mới trong thời kỳ hội nhập. Đó phải là người có trình độ về khoa học kỹ thuật, có kiến thức sản xuất lớn, chủ động tiếp thu khoa học công nghệ, có tư duy dự báo thị trường…

Nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trung tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực đổi mới phương thức hoat động, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ chủ chốt đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức hội và các phong trào nông dân trong tình hình mới theo Kết luận số 61-KL/BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” gắn với Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”; hướng dẫn các hình thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội theo hướng nhanh và bền vững.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t