Hà Nội: Giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học (10:49 17/01/2018)


HNP - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch "Bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030" được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 24/9/2014, thành phố đã thực hiện nhiều nội dung giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học.

Tính riêng năm 2017, các sở, ngành thành phố đã thực hiện bảo tồn, phát triển một số giống hoa, cây cảnh quý hiếm như: Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, hoa lan truyền thống; phát triển giống cây đặc sản gồm bưởi Diễn, mơ chùa Hương, cam Canh, sen Tây Hồ, rau sắng chùa Hương. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền giống gà Mía. Tiếp nhận cứu hộ 44 vụ với 1.192 cá thể động vật hoang dã các loại và 22,4kg rắn; thả về môi trường tự nhiên sau cứu hộ 55 cá thể và 8,5kg rắn; chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã khác 64 cá thể; nuôi sinh sản được 3 cá thể hổ, 1 cá thể vượn đen má trắng; nuôi cứu hộ, bảo tồn 272 cá thể và 4,9kg rắn. Phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát thí điểm các phương pháp bao vây tiêu diệt ốc bươu vàng, cá Tỳ Bà (cá Dọn Bể) tại hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức.

Cùng với đó, các sở, ngành thành phố đã tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm soát lâm sản, kinh doanh động vật hoang dã, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội; phối hợp chặt chẽ, tiến hành kiểm tra, rà soát những cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; khai thác rừng trái phép, hủy hoại rừng, gây cháy rừng trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 31/10/2017, đã xử lý 90 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 1.170 cá thể động vật hoang dã; tổng số gỗ tịch thu quy tròn gần 40m3 (trong đó có hơn 30,1m3 gỗ quý hiếm), xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu, nộp ngân sách gần 2,1 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn, nhờ vậy, không có phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra, trữ lượng, chất lượng rừng ngày càng tăng, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Năm qua, toàn thành phố đã trồng mới được hơn 34,6ha rừng, chăm sóc 3.345ha rừng sản xuất trồng mới; triển khai phong trào Tết trồng cây, toàn thành phố đã trồng được 878.000 cây xanh. Đáng nói, các địa phương đã tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t