Tăng cường quản lý loại hình kinh doanh vận tải taxi (12:30 14/12/2017)


HNP - Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Tuy nhiên loại hình kinh doanh vận tải này cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế cần sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng.

Loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe Taxi trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát triển từ năm 1993, cho đến nay, Thành phố có khoảng 19.265 xe taxi của 77 doanh nghiệp. Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe Taxi trong thời gian qua đã điều kiện thuận lợi và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Về điều kiện kinh doanh cơ bản các doanh nghiệp taxi đáp ứng được các quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe Taxi cũng bộc lộ một số tồn tại như: Lái xe dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự ATGT; Phát sinh vi phạm của taxi ngoại tỉnh, taxi dù có chiều hướng gia tăng; Một số doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện, chưa bố trí đủ nơi đỗ xe phù hợp với số lượng xe của đơn vị; giá cước vận tải còn cao; Tinh thần thái độ phục vụ của một số lái xe còn chưa được văn minh, lịch sự. Việc ứng dụng tin học trong quản lý, điều hành của một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của các loại hình vận tải khác, hoạt động điều hành taxi còn nhiều hạn chế (tỷ lệ xe chạy rỗng còn nhiều dẫn đến việc gia tăng giá cước vận tải; việc điều tiết hoạt động theo vùng chưa hợp lý, có khu vực tập trung nhiều, khu vực lại quá ít, chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân)...

Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn Thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chủ động phối hợp với Công an Thành phố, các sở, ngành liên quan thống nhất xây dựng Dự thảo “Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội” báo cáo trình UBND Thành phố ban hành. Sau khi tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp và các Hiệp hội vận tải với mục tiêu đưa ra các định hướng, lộ trình thực hiện, từng bước giải quyết các tồn tại, bất cập nêu trên nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế ùn tắc giao thông tại các khu vực và phù hợp với sự phát triển GTVT của Thành phố. Hiện Dự thảo quy chế được hoàn thiện trình UBND Thành phố phê duyệt.

Ngoài loại hình taxi truyền thống, hiện nay, trên địa bàn thành phố có thêm loại hình taxi công nghệ (uber, grab). Theo đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh vận tải là xu thế tất yếu. Đối với người dân, loại hình này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, kiểm soát được giá cước mỗi cuốc đi. Đối với doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối hành khách sẽ làm doanh nghiệp giảm giá thành cước vận tải do tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí điều phối xe, chi phí cho quãng đường xe chạy rỗng; mặt khác tạo sự minh bạch trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Đặc biệt, từ khi Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc Ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo Hợp đồng, các phương tiện dưới 9 chỗ ngồi tham gia vận chuyển hành khách có ứng dụng công nghệ (Uber, Grab...) được ban hành, số lượng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia Uber, Grab trên địa bàn Thành phố tăng lên nhanh chóng kể từ khi được Bộ Giao thông vận tải cho phép tham gia thí điểm tại 05 tỉnh (TP), trong đó có Hà Nội.

Mặc dù các phương tiện tham gia thí điểm hoạt động kinh doanh theo phương thức mới (xe hợp đồng) nhưng về bản chất các phương tiện này hoạt động vận chuyển hành khách giống loại hình kinh doanh vận chuyển taxi hiện nay. Trong quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh nhiều bất cập trong quản lý do số lượng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng liên tục tăng nhanh (bao gồm cả xe biển kiểm soát các tỉnh khác về Hà Nội tham gia hoạt động). Việc này đã gây khó khăn cho công tác kiểm soát số lượng, vượt quá nhu cầu của Thành phố. Những bất cập này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, công tác tổ chức giao thông của Thành phố, đặc biệt là việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện cá nhân.

Để có cơ sở quản lý các phương tiện dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động thí điểm trên địa bàn Thành phố, đảm bảo phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông vận tải và công tác tổ chức giao thông. Ngay từ thời gian đầu, Sở Giao thông vận tải đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố kiến nghị, đề xuất Bộ Giao thông vận tải nhiều nội dung để quản lý chặt chẽ loại hình vận tải này, như: Tạm dừng mở rộng công tác thí điểm, không bổ sung thêm các đơn vị mới và không tăng thêm số lượng phương tiện tham gia thí điểm; Quản lý việc niêm yết biểu trưng (logo) dành cho phương tiện tham gia thí điểm để phục vụ công tác quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm; Xem xét rút ngắn thời gian thí điểm trong năm 2017; Xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm; đồng thời việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm; Đề nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình vận tải này tương tự điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; Bổ sung một số chế tài xử lý vi phạm và quy định về quản lý phần mềm nhằm phục vụ cho việc quản lý thuế...

Nhằm tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục tham mưu đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của Thành phố tập trung thực hiện một số nội dung như: Xác định quản lý hoạt động kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (đang hoạt động Uber, Grab) như hoạt động kinh doanh xe taxi... Xây dựng Quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng xe taxi hợp lý, quy định hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động tương tự taxi (Uber, Grab...).

Tiếp tục rà soát các tuyến đường có biển báo cấm xe taxi hoạt động để đề xuất, bổ sung biển báo phụ cấm xe họp đồng dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo việc kinh doanh công bằng giữa các loại hình vận tải. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung các điểm đỗ, dừng, đón, trả khách taxi công cộng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, việc thực hiện nghĩa vụ thuế,... của các đơn vị vận tải tham gia thí điểm trên địa bàn Thành phố.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t