Lập lại trật tự hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp (06:52 20/07/2017)


HNP - Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, thủ công khá đa dạng, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chấn chỉnh.

Giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát, nguy cơ mất an toàn thực phẩm


Khó kiểm soát

Theo thống kê, TP Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước: Đàn trâu, bò gần 160.000 con; ngựa, dê, cừu hơn 8.300 con; lợn hơn 1,8 triệu con (đàn lợn nái, đực giống gần 22.700 con) và gần 29 triệu con gia cầm... Tổng sản lượng thịt hơn các loại khoảng 390.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng động vật, sản phẩm động vật của người tiêu dùng Thủ đô khoảng 324.000 tấn. Lượng thịt qua giết mổ hằng ngày tại các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội khoảng 204.100 tấn/năm, đáp ứng 65% nhu cầu tiêu thụ. Lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Hà Nội khoảng 48.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 15,2% nhu cầu. Lượng thịt gia súc, gia cầm do các địa phương cung cấp cho Hà Nội khoảng 61.900 tấn/năm, chiếm 19,8%.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ nhiều năm nay, vấn đề kiểm soát giết mổ, xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư đã được đặt ra với TP Hà Nội khi vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên nhức nhối. Dù đã có chuyển biến bước đầu, song phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý giết mổ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội cho thấy, toàn TP có 1.075 cơ sở giết mổ, trong đó: 7 cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng chỉ có 4 cơ sở đang hoạt động với sản lượng giết mổ đạt khoảng 12 tấn thịt gia súc, 47 tấn thịt gia cầm/ngày; 3 cơ sở còn lại hoạt động thấp hoặc đã ngừng hoạt động. Số cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp có 15 cơ sở, tuy nhiên, chỉ có 13 cơ sở giết mổ đang hoạt động với tổng công suất giết mổ đạt 151 tấn thịt gia súc và 7 tấn thịt gia cầm/ngày. Số cơ sở giết mổ thủ công tập trung có 2 cơ sở với công suất 34 tấn thịt gia súc và 6 tấn thịt gia cầm/ngày. Thế nhưng, só lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ trên địa bàn thành phố chỉ 116 cơ sở, chiếm tỷ lệ rất thấp; lượng thịt giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát khoảng 57% nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng Thủ đô. Số điểm giết mổ còn lại chưa được kiểm soát của cơ quan thú y, đây là những điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu là thủ công, không có địa điểm cố định diễn ra ở hầu hết các địa phương. Một số chủ cơ sở giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh theo quy định. Đa số các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm này không được phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định...

Gắn với xây dựng chuỗi liên kết

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng, nhiệm vụ quan trọng năm 2017 của ngành Nông nghiệp Hà Nội là kiểm soát chặt giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là cơ sở giết mổ tự do không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Những điểm giết mổ không bảo đảm vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa. Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giết mổ, nâng cao tỷ lệ sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát, đồng thời giảm điểm giết mổ nhỏ lẻ trong thời gian tới nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, TP Hà Nội đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, từng bước chấn chỉnh để công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố dần đi vào nền nếp.

Cùng với đó, thành phố tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phù hợp với tốc độ phát triển chăn nuôi của thành phố. Tập trung thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các lò mổ tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các cơ sở giết mổ này hoạt động hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ kinh doanh gia cầm tại các chợ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng gia cầm giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ. Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý giết mổ, đặc biệt là công tác đánh giá các cơ sở giết mổ. Từ đó, tham mưu UBND thành phố hỗ trợ chi phí giết mổ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 và Quyết định số 59/2016/QĐ-UBND 31/12/2016 của UBND thành phố. Về phía địa phương, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 6/5/2016 của UBND thành phố về việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020. Quản lý tốt hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn gắn với xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm có kiểm soát, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...


Anh Quý


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t