Lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (15:18 14/12/2016)


HNP - Sáng 14/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Ban chính sách luật pháp Trung ương, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 3 mô hình nữ doanh nghiệp tham gia gồm Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), CLB nữ doanh nghiệp. Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN Thành phố đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ như duy trì hoạt động của CLB nữ doanh nghiệp các cấp, tổ chức sinh hoạt định kỳ, tổ chức hội thảo, tâp huấn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…; phối hợp tổ chức bình chọn “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng hóa; phối hợp giao lưu xúc tiến thương mại;… Mặc dù, các cấp Hội phụ nữ Thành phố đã rất cố gắng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ, nhưng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, các hoạt động này chỉ mới dừng lại ở mức độ còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, các khó khăn chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là thiếu kiến thức kỹ năng, khó hơn trong tiếp cận nguồn lực và thị trường như thủ tục vay vốn, xúc tiến thương mại,…

Vì vậy, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc ra đời dự án Luật hỗ trợ DNNVV là rất cần thiết để hỗ trợ DNNVV phát triển, đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ. Các chính sách hỗ trợ cho DNNVV được nêu trong các điều của dự thảo Luật là đầy đủ, rất cụ thể và phù hợp với các quy định của Luật đầu tư, Luật tổ chức tín dụng, Luật đấu thầu, Luật thuế và Luật đất đai mà từ trước tới nay chưa đề cập đến,…

Tuy nhiên, về tiêu chí xác định DNNVV (điều 5 Dự thảo), đa số các đại biểu nhất trí lấy tiêu chí doanh thu, tuy vậy, để sát với thực tế thì nên chia doanh thu của các doanh nghiệp theo 3 lĩnh vực ngành nghề (công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại và dịch vụ) theo các tỷ lệ khác nhau.

Bên cạnh đó, ở điều 26 dự thảo Luật nêu hai nhóm ngành được hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày. Việc xác định được đâu là các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiêu của quốc gia trong một giai đoạn nhất định là cực kỳ quan trọng, định hướng cho cả một quốc gia, đòi hỏi có tầm nhìn, xác định rõ cơ sở, lý do lựa chọn; điều này sẽ thống nhất tất cả các điều khoản hỗ trợ của Luật. Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu, các đại biểu đề nghị một số lĩnh vực tập trung hỗ trợ như: áp dụng công nghiệp cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hóa truyền thống; dịch vụ du lịch - khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; giáo dục và dịch vụ giáo dục,… thay bằng chỉ có 2 nhóm ngành được hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản và dệt may, da dày.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vì dự án Luật chưa đề cập nhiều đến vấn đề hỗ trợ pháp lý, trong khi đó vấn đề hỗ trợ pháp lý lại vô cùng cần thiết; đề nghị Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ tài chính và có chính sách ưu đãi về hỗ trợ mặt bằng sản xuất cũng như miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để có cơ hội phát triển kinh doanh sản xuất.


Thu Uyên


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t