Giải quyết bài toán nhà vệ sinh trong trường học (15:04 14/11/2016)


HNP - Nhà vệ sinh trong trường học là vấn đề được quan tâm nhiều năm nay của TP Hà Nội. Không chỉ thiếu nhà vệ sinh mà tình trạng mất vệ sinh ở khu vực này cũng rất đáng báo động. Bắt đầu từ năm học này, Thành phố Hà Nội đã chính thức chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án xây mới, cải tạo và sửa chữa nhà vệ sinh trong trường học nhằm tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện và sạch sẽ.

Những nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ được xóa bỏ


Năm học 2016 - 2017, Thành phố có 2.622 trường học ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Song, tổng số nhà vệ sinh hiện có ở các trường mới là 2.423. Như vậy, còn khoảng hơn 8% số trường học chưa có nhà vệ sinh phục vụ giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, kể cả những đơn vị trường học có nhà vệ sinh thì không phải tất cả đều đạt tiêu chuẩn. Theo đó, quy định Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học ban hành năm 2011, do Bộ Khoa học - Công nghệ công bố, nêu rõ, đối với cấp trung học, khu vệ sinh của học sinh cần được thiết kế với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh; số lượng thiết bị tối thiểu tương ứng là 1 tiểu nam, 1 chậu xí và 1 chỗ rửa tay cho 30 học sinh nam; đối với nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí. Ngoài ra, cũng tại quy định này cho biết, mỗi trường học phải có ít nhất một phòng vệ sinh dành cho học sinh khuyết tật. Như vậy, nếu theo những quy định này thì các trường học, nhất là ở khu vực nông thôn còn thiếu không ít nhà vệ sinh cho học sinh bình thường và nhà vệ sinh cho học sinh khuyết tật thì hầu như chưa có. 
 
Trước tình trạng vừa thiếu vừa yếu này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa qua cũng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ hệ thống vệ sinh của các trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn và xây dựng đề án cải tạo, sửa chữa. Lộ trình triển khai cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh trường học của Hà Nội chia làm hai giai đoạn. Từ năm 2016 - 2018 là cải tạo những nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; từ năm 2018 - 2020 tiếp tục rà soát cải tạo nhà vệ sinh cũ, xây mới ở những trường còn thiếu, bảo đảm tất cả các trường đều có đủ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, dứt khoát không để tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
 
Mới đây, liên Sở GD&ĐT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng tờ trình UBND Thành phố kế hoạch xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo gần 2.800 nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, với tổng kinh phí dự kiến gần 400 tỷ đồng, chưa tính số nhà vệ sinh cần xây mới ở những nơi còn thiếu. Mầm non là cấp học có số lượng nhà vệ sinh cần cải tạo nhiều nhất (gần 1.500 nhà vệ sinh), kinh phí chiếm hơn 50% tổng kinh phí cần đầu tư cải tạo nhà vệ sinh của toàn thành phố. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình vệ sinh, nước sạch sẽ được thành lập ở các cấp, trong đó cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai tại địa bàn mình theo tháng, quý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ chung. 
 
Theo đó, việc cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố thời gian tới sẽ được triển khai theo hình thức xã hội hóa. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xây dựng Đề án cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới hệ thống vệ sinh, tùy theo mức độ, yêu cầu của từng đơn vị cụ thể, ưu tiên triển khai ở cấp học mầm non, những trường tổ chức học 2 buổi/ngày, các điểm trường lẻ. Sở GD&ĐT cũng đang đề xuất UBND Thành phố triển khai xây dựng mẫu nhà vệ sinh tại 7 trường học ở các cấp học, kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, từ đó nhân rộng ra các trường khác. Với mục tiêu chăm lo cho sức khỏe, sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước, Hà Nội kêu gọi sự chung tay đồng hành của các nhà tài trợ, của phụ huynh học sinh để có nguồn lực mạnh mẽ đầu tư cho môi trường học đường an toàn, thân thiện và sạch sẽ, có đủ các hạng mục quy định phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường.
 
Nhà vệ sinh trong trường học không thể coi là “công trình phụ”, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh. Do đó, ngoài sự đầu tư từ các cấp, các ngành, các nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng của trường học cho học sinh. Thêm vào đó, việc bố trí cho học sinh lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức phạt lao động với học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần cũng là việc nên làm nhằm giáo dục ý thức kỷ luật và vệ sinh cho học sinh, bảo đảm giữ vệ sinh trường, lớp sạch sẽ… Với sự quyết tâm từ Thành phố đến các nhà trường, vấn đề nhà vệ sinh sẽ không còn là nỗi lo của phụ huynh và không còn là nỗi ám ảnh của học sinh mỗi khi sử dụng nhà vệ sinh khi đến trường.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t