Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X (12:25 17/05/2024)


HNP - Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X - năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X


Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc; đại diện Sở Công Thương các thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Sở Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam; các Hội, Hiệp hội...
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Năm 2024 được xác định là năm bứt phá, bản lề của cả nước. Các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đồng hành cùng các địa phương, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
 
Kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một tăng cường. Từ đó, đóng góp tích cực ngày một quan trọng vào kết quả tăng trưởng của ngành. Kết quả này cần được phát huy trong thời gian tới.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Đồng tình với quan điểm trên, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, 28 tỉnh, thành phố phía Bắc là khu vực có lịch sử phát triển lâu đời, vị trí địa lý quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế - xã hội của cả nước. Đây cũng là khu vực có “Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” - 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Hà Nội là địa phương đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng trưởng khá (năm 2023 tăng 6,27%, quý I/2024 tăng 5,5%); thu ngân sách đạt cao và chủ yếu thu từ nội địa chiếm tới gần 90% (năm 2023 tăng 20%; 4 tháng đầu năm 2024 tăng 6,4%); thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Hà Nội. Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp về tăng trưởng kinh tế, kìm chế lạm phát, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 để tạo đà bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ của Thành phố giai đoạn 2021-2025: GRDP tăng 7,5-8%; giá trị tăng thêm công nghiệp tăng 7,5-8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,1%. 
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao việc Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X - năm 2024 nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại, tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực; liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh hết sức khốc liệt…
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị
 
Nhiều chuyển biến tích cực
 
Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.  Nhưng với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 5,05% GDP của cả nước năm 2023 và mức tăng 5,66% của quý I/2024. Nổi bật, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023 có mức tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 21/28 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng dương, trong đó: 19/28 địa phương cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (tăng 1,5%); 8/28 địa phương tăng trưởng trên 10%; có 6 địa phương xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số IIP đứng đầu cả nước gồm: Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng. 6 tháng đầu năm 2024, 25/28 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2023 đạt 2.602 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với năm 2022, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc 6 tháng năm 2024 ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. 
 
Đáng chú ý, có 11/28 địa phương trong vùng nằm trong nhóm 20 địa phương có chỉ số thương mại điện tử năm 2023 đứng đầu cả nước (Hà Nội xếp thứ 2; Hải Phòng xếp thứ 5; Bắc Ninh xếp thứ 10; Quảng Ninh xếp thứ 11; Hưng Yên xếp thứ 12; Nghệ An xếp thứ 14; Vĩnh Phúc xếp thứ 15; Nam Định xếp thứ 16; Bắc Giang xếp thứ 17; Hải Dương xếp thứ 19; Thanh Hóa xếp thứ 20)…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, các tỉnh, thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động. Một số địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh nên việc triển khai các quy hoạch quốc gia thuộc lĩnh vực ngành còn hạn chế…
 
Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, Hội nghị đã thông qua các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt trên 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt khoảng 1.484 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, để cả năm 2024 đạt khoảng 2.890 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với năm 2023; tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt trên 123 tỷ USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ, để cả năm 2024 đạt khoảng 244 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2023.
 
Nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng; phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng lợi thế của các địa phương; công tác quản lý và phát triển các cụm công nghiệp; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...; tăng cường thu hút và xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại; tuyên truyền phổ biến kiến thức, đào tạo hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do đã ký kết... trong thời gian tới.
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tham luận tại Hội nghị
 
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chính được Chính phủ giao cho ngành Công Thương, trong các tháng còn lại năm 2024 và các năm tiếp theo, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị. Trong đó, tập trung triển khai các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt; các địa phương phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và triển khai quy hoạch vùng tỉnh, phát huy lợi thế của từng địa phương gắn kết sự phát triển đồng đều, nhất là các tỉnh có địa bàn giáp ranh, cần có cơ chế chính sách đồng bộ trong phát triển các hạ tầng thương mại, công nghiệp, kết nối logistics. Đồng thời, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ ngay các nút thắt (cơ chế đầu tư chợ nhất là sử dụng vốn ngân sách, chấp thuận chủ trương đầu tư các cụm công nghiệp, cơ chế đầu tư lĩnh vực năng lượng nhất là năng lượng tái tạo)… Khai thác tối đa các thông tin của hệ thống thương vụ nước ngoài, các lợi thế của FTA để thúc đẩy xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các địa phương phối hợp với Hà Nội để có thị trường tiêu thụ bền vững; phối hợp với các tỉnh có cửa khẩu để thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp kết nối logictic, thương mại điện tử...; phối hợp học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với các tỉnh, thành phố lớn có sự va đập chính sách mạnh mẽ tác động vào hoạt động của ngành hoặc các mô hình tiêu biểu (chợ không dùng tiền mặt, chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại; xã hội hóa các nguồn đầu tư chợ; liên kết hợp tác phát triển các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành Công Thương từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng...
 
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra hoạt động Công bố và trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025.
 
Khu vực phía Bắc nước ta gồm 28 tỉnh, thành phố; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu vực là 150.058,5 km2, chiếm 45,28% diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số 44,93 triệu người, chiếm 45,17% dân số cả nước, mật độ dân số trung bình 299 người/km2 và có 3 vùng: Vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ, các vùng này có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy phát triển khá đồng bộ và liên tục được đầu tư mới, nâng cấp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Thu Hằng


Latest news

Other news

  Next >>

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t