Hơn 23 nghìn đại biểu dự Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy (11:51 16/08/2023)


HNP - Sáng 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy và trực tuyến tới 649 điểm cầu với 23.041 đại biểu tham dự.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU


Quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của Thành phố đã được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đạt kết quả, tạo chuyển biến tích cực.
 
Tuy nhiên, gần đây, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị; trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần được thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
 
Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, tham mưu Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. 
 
Để Chỉ thị thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ và yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tập trung thực hiện, cụ thể là:
 
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị Thành phố.
 
Thứ hai, yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. 
 
Thứ ba, rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố. Đồng thời, phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành đảm bảo công khai, minh bạch, khoa học, nhất quán, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, nhất là người đứng đầu và các mối quan hệ công tác.
 
Thứ tư, về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của Thành phố, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. 
 
Thứ năm, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ; quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với chính quyền Thành phố; gắn kết chặt chẽ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả hoạt động của đơn vị mình. 
 
Để khắc phục tình trạng các công việc tồn đọng, chậm trễ, kéo dài, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các nhiệm vụ, công việc, xem xét quyết định ngay những nội dung thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất những nội dung không thuộc thẩm quyền để giải quyết. 
 
Thứ sáu, phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên, cổ vũ, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhân rộng các mô hình, cách làm hay.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, bên cạnh các nội dung chính của Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghiên cứu đưa ra Phụ lục về khung gợi ý nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố để các tập thể và cá nhân “tự soi”, “tự sửa” và đồng thời cũng là một trong các căn cứ để xem xét và xử lý quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.
 
“Có thể nói, Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu trong việc triển khai các nội dung mới, chưa có tiền lệ, vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đồng thời các cấp, các ngành qua thực tế triển khai, thực hiện Chỉ thị kịp thời phản ánh, đóng góp để điều chỉnh, bổ sung vào Khung nhận diện cho đúng, trúng và sát với tình hình thực tiễn của Thành phố trong thời gian tới”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
 
Tiếp đó, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đã quán triệt Kế hoạch số 171-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.

Vương Vân


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t