HĐND các cấp Thành phố: Quyết liệt - Thực chất - Hiệu quả (08:40 25/01/2023)


HNP - Phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, trong năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai hoàn thành mục tiêu tổng quát cả năm. Kinh tế phục hồi tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, Thành phố đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong những kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của HĐND các cấp Thành phố. Năm 2022, HĐND các cấp đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố khóa XVI


Đổi mới đáp ứng thực tiễn
 
Bám sát chủ đề năm 2022 của Thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, HĐND các cấp Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND Thành phố đã xây dựng và ban hành Chương trình công tác số 01 gồm 138 nội dung được rà soát, tổng hợp cụ thể, chi tiết theo hướng trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu thực tiễn của Thành phố, đảm bảo thực chất, hiệu quả, phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố. Kết quả đến nay, cơ bản toàn bộ các nội dung theo chương trình công tác đề ra và hơn 60 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của Thành phố đã được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 
 
Cùng với Thành phố, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch công tác theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ để làm cơ sở chỉ đạo, triển khai, thực hiện.
 
Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của HĐND Thành phố năm 2022, đó là Thường trực HĐND Thành phố, Đảng Đoàn HĐND Thành phố đã chủ động, phối hợp với cơ quan để trình Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Đề án số 15 ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Nội dung Đề án gồm 5 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu, 7 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp. Đây là cơ sở chính trị, động lực quan trọng để HĐND các cấp Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
 
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 
 
Ngày 12/9/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 594 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây là nghị quyết rất quan trọng, nhằm lan tỏa sự đổi mới từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới HĐND các cấp; tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử từ Trung ương và các địa phương. Xác định ý nghĩa đó, Thường trực HĐND Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết đến Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND 30 quận, huyện, thị xã và 404 xã, thị trấn với 11.720 đại biểu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và bước đầu đã phát huy kết quả tích cực.
 
Trong năm 2022, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Thường trực HĐND các cấp Thành phố tiếp tục rà soát, ban hành các quy chế, quy trình nội bộ để tăng cường sự chuyên nghiệp, tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong hoạt động. 
 
Điểm mới của Thành phố là ngay từ đầu năm, 4 cơ quan Đoàn Đại biểu Quốc hội - Thường trực HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam Thành phố đã ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2026. Các Ban HĐND Thành phố ký kết Quy chế phối hợp với các sở, ngành Thành phố. Và cùng với Thành phố, HĐND cấp huyện cũng ký quy chế phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.
 
Việc ký kết quy chế có ý nghĩa quan trọng để từng cơ quan chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật; đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng các cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và bảo đảm đời sống, lợi ích chính đáng của nhân dân.
 
Cũng trong năm 2022, Thường trực HĐND Thành phố đã phối hợp UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về định hướng xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Việc ban hành Kế hoạch làm cơ sở để UBND Thành phố và các cơ quan chủ động, trách nhiệm trong việc tham mưu ban hành Nghị quyết; xây dựng kế hoạch để hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý của Thành phố trong thời gian tới. 
 
Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển ở địa phương
      
Trong năm 2022, HĐND Thành phố đã tổ chức thành công 7 kỳ họp thường lệ và chuyên đề. Đây là năm có số lượng kỳ họp nhiều nhất từ trước tới nay, đã ban hành 59 nghị quyết. Trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố và hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp như: Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố; Đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; Cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Các biện pháp xử lý dự án vốn ngoài ngân sách, sử dụng đất chậm triển khai; Các cơ chế, chính sách, mức chi đặc thù đối với người có công, đối tượng chính sách; Hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội; Chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19;… 
 
Các nghị quyết ban hành đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách đặc thù và các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; là cơ sở pháp lý rất quan trọng, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của Thành phố. Đồng thời, nghị quyết được ban hành hết sức thiết thực nên dễ áp dụng, dễ đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ. 
 
Đại biểu HĐND Thành phố bấm nút thông qua Nghị quyết tại các Kỳ họp
        
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10, lần đầu tiên, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết phiên chất vấn để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn của HĐND Thành phố. Nghị quyết có phụ lục về từng nội dung cam kết và tiến độ, thời gian thực hiện cam kết của lãnh đạo UBND Thành phố và các cơ quan, đơn vị, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát sau khi nghị quyết được ban hành.
 
Sau chất vấn, một số việc khó đã dần được tháo gỡ. Đơn cử như dự án Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh, quận Đống Đa, tại phiên tái chất vấn Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư bàn giao mặt bằng dự án trong tháng 12/2022 cho UBND quận Đống Đa để xây dựng trường học, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Sự quyết liệt, hiệu quả này đã được cử tri rất hoan nghênh.
 
HĐND cấp huyện đã tổ chức 129 kỳ họp, ban hành 827 nghị quyết, tổ chức 60 phiên chất vấn và trả lời chất vấn. HĐND cấp xã đã tổ chức 953 kỳ họp, ban hành 3.980 Nghị quyết, tổ chức 693 phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, các nội dung được HĐND cấp huyện, cấp xã quyết nghị cũng hết sức kịp thời, thiết thực với phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh của người dân. 
 
Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu tiên thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, Thành phố thí điểm không tổ chức HĐND ở các phường; một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường. Để nâng cao chất lượng hoạt động nói chung khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm, lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát. Hình thức được thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng, phù hợp với tình hình phòng chống dịch. 
 
Đặc biệt, do có sự chỉ đạo sát sao của Thường trực HĐND Thành phố trong việc tăng cường thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát của các địa phương, đơn vị, nên các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố đã theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố. Chính vì vậy, sau kết luận các cuộc giám sát, nhiều vấn đề đã được UBND Thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp thu và tập trung chỉ đạo quyết liệt, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
 
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
 
Trước tình hình thế giới dự báo còn biến động phức tạp, khó lường, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp. Năm 2023, HĐND Thành phố xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thành phố. 
 
Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết XVII Đảng bộ Thành phố và 10 Chương trình công tác của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND Thành phố, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ. Tham gia tích cực, trách nhiệm các nội dung, nhiệm vụ quan trọng năm 2023 của Thành phố như Sửa đổi Luật Thủ đô; Lập quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến các năm 2050. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội. 
 
Đặc biệt, HĐND Thành phố sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định của Luật và Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023. Tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề. Triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân;…
 
Có thể khẳng định, với sự lan tỏa trong đổi mới hoạt động của Quốc hội và sự chỉ đạo tập trung của Trung ương, của Thành phố, hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội đang tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của của tri và Nhân dân Thủ đô.

Lê Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t