Nông dân Thủ đô kiến nghị được tăng thời hạn thuê đất để đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất (14:39 27/09/2022)


HNP - Tại buổi đối thoại giữa Bí thư Thành ủy, vào sáng 27/9, hội viên nông dân Thủ đô đã tổng hợp 91 kiến nghị, chia thành 6 nhóm gửi tới Bí thư Thành ủy và lãnh đạo Thành phố.

Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Phạm Hải Hoa trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của hội viên


Phát biểu trực tiếp tại hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoà Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà và bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý, huyện Đan Phượng đều kiến nghị: Hiện nay, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng hợp đồng thuê đất 5% công ích chỉ được 5 năm, nên các doanh nghiệp ngại đầu tư. Bên cạnh đó, việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất cũng khó khăn, chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền cần là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để thực hiện tập hợp được diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, tránh việc bỏ đất hoang hóa, lãng phí.
 
Trong khi đó, từ kinh nghiệm triển khai 157ha đã được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, ông Nghiêm Quang Vinh, hội viên nông dân xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên cho rằng, ngoài chính sách về đất đai thì Thành phố cần có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân. Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản của Phú Xuyên, 2/3 số xã thuộc miền Tây của huyện đang sử dụng nguồn nước sông Nhuệ, nhưng hiện đang bị ô nhiễm nặng, đề nghị Thành phố có giải pháp để xử lý nguồn nước ô nhiễm tại sông Nhuệ.
 
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý, huyện Đan Phượng nêu kiến nghị tại buổi đối thoại
 
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ nêu kiến nghị, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa có đầu ra ổn định, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá và thương lái ép giá, gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân. Vì vậy, Thành phố cần tiếp tục thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản hàng hoá; phối hợp với Hội Nông dân triển khai tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn của nông dân Thủ đô tại Thành phố và các địa phương.
 
Cùng vấn đề này, ông Phạm Văn Nghệ, hội viên nông dân xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm cho rằng, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn thấp; việc tiêu thụ nông sản an toàn còn vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, đề nghị Thành phố quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn chất lượng cao.
 
Một số ý kiến khác đề nghị Thành phố cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển  nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn vành đai xanh, nhất là đối với các huyện ven đô (như Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng) đang có tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do bị thu hồi nhiều.
 
Đại biểu hội viên nông dân Thủ đô cũng kiến nghị Thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận, học tập, nâng cao hiểu biết kiến thức và kỹ năng tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ về cây con giống, vốn, kinh phí đầu tư nhà màng, nhà lưới…; quan tâm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, đẩy nhanh việc cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn…
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ trao đổi tại hội nghị
 
Giải đáp một số kiến nghị của đại biểu hội viên nông dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, theo Luật đất đai năm 2013, UBND cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp công ích để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thời hạn cho thuê không quá 05 năm. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thời hạn này có thể được tăng lên đến 20 năm. Trong thời gian chờ chính sách của Trung ương, các địa phương tiếp tục ký hợp đồng thuê đất sản xuất nông nghiệp khi hợp đồng cũ hết hạn, để đảm bảo cho các doanh nghiệp, người nông dân yên tâm đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
 
Về chính sách hỗ trợ cây, con giống, ông Chu Phú Mỹ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, trong đó, có nội dung về hỗ trợ sản xuất, cung ứng và lưu giữ giống gốc giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Ngoài ra, HĐND Thành phố cũng đang xem xét, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn Thành phố, đề nghị người dân liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn giải quyết.
 
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan trao đổi tại hội nghị
 
Liên quan đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất; các chương trình và kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ; hỗ trợ đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ liên kết sản xuất theo nghị định 98/2018/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố còn vướng mắc do một số quy định trong Nghị định chưa quy định cụ thể về nội dung chi, định mức chi, mức chi,... Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018, trong đó, có đề xuất, điều chỉnh, bổ quy định hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP để làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ liên kết tiêu thụ theo quy định.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị
 
Tiếp thu và giải trình một số ý kiến của hội viên nông dân, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sau hội nghị, bám sát kết luận của Bí thư Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô hiện đại, đặc thù, có bản sắc riêng. Trước mắt, UBND Thành phố đang tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sắp tới một điều khoản về cơ chế chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, cùng với công tác điều chỉnh quy hoạch sẽ làm cơ sở để định hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới. 
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
 
Làm rõ thêm về các chính sách hỗ trợ “tam nông”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, những năm qua, HĐND Thành phố đã cùng với UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng và ban hành 6 nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên, người nông dân được trực tiếp hưởng thụ chính sách chưa lớn. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng cho các cơ chế chính sách này, nhưng chủ yếu giải ngân cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, HĐND Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với UBND Thành phố rà soát lại các chính sách để hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ cho “tam nông” một cách thực chất, trực tiếp và hiệu quả.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t