Những công trình giao thông tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô năm 2021 (11:26 04/02/2022)


HNP - Năm 2021 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông Thủ đô; tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí; hoạt động vận tải hành khách thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Đặc biệt, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố đã và đang được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, làm cho diện mạo của Thủ đô thay đổi đáng kể.  

Tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thiết kế với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu


Tuyến Cát Linh - Hà Đông, một công trình tiêu biểu 
 
Ngày 13/1/2022, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc chính thức khánh thành dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, đóng vai trò tích cực trong cải thiện tình hình giao thông của Hà Nội, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Đặc biệt, tạo cảnh quan, kiến trúc đẹp mắt cho Thành phố.
 
Hiện, mỗi ngày có 203 chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5h30 - 22h. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga. 
 
Trước đó, ngày 6/11/2021, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội chính thức bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào khai thác vận hành. Trong tháng đầu khai thác, đã có hơn 620.400 khách đi tàu, trong đó, nhiều nhất là thời gian miễn phí với trung bình 25.000 khách/ngày, sau đó, đạt 16.000 khách/ngày, tỷ lệ khách sử dụng vé tháng đạt hơn 20%.  
 
Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút góp phần tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
6 nhánh đường lên xuống đường Vành đai 3 
 
Từ ngày 27/12/2021, 6 nhánh đường lên xuống đường Vành đai 3, đoạn Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã chính thức được thông xe, giúp giảm tải lưu lượng xe cho các nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, khu đô thị Ciputra.
 
Các nhánh lên xuống đường Vành đai 3 trên cao được đặt tại Hoàng Quốc Việt (dài 247 m); khu vực Cổ Nhuế (dài 330 m) và khu vực Nam Thăng Long (dài 222 m).
 
Trước đó, theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh lên, xuống tuyến đường. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt bổ sung 6 nhánh với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
 
Với các nhánh lên xuống, mỗi chiều xe chạy gồm một làn xe cơ giới rộng 3,5m, một làn xe dừng khẩn cấp rộng 2m và dải an toàn bên trong rộng 0,5m. 
 
Theo phương án phân luồng tổ chức giao thông của Sở GTVT Hà Nội, các nhánh đường lên xuống cấm xe đạp, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ.
 
Dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
 
Sau hơn một năm thi công, ngày 09/1/2021, dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức thông xe. Trước đó, theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 6/1/2020, thời gian thực hiện 14 tháng. 
 
Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
 
Dự án được thực hiện đã tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông, phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này.
 
Dự án được kỳ vọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hà Nội.
 
Phạm vi nút giao theo hướng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu từ Km0 - 420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại Km1 + 065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1) có chiều dài 1,5 km.
 
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện đã chỉ đạo triển khai khởi công, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung của Thành phố như: Cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2,  Hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3; Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc,...
 
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
 
Là một trong 6 công trình giao thông trọng điểm cấp bách trên địa bàn Thủ đô được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội năm 2021, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, nỗ lực khắc phục vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quyết tâm hoàn thành vào năm 2023.
 
Trước đó, vào tháng 1/2021, dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và UBND TP Hà Nội. 
 
Công trình dài 3,5 km, rộng 19,25 m, với bốn làn xe (hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ). 
 
Cầu Vĩnh Tuy 2 được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy 1, nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1. Điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).
 
 
Trên công trường có 11 đơn vị nhà thầu chia làm 11 mũi thi công.
 
Dự án sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2; tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.
 
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3
 
Được khởi công từ tháng 10/2020, hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 là dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng giải quyết trình trạng ùn tắc cho khu vực phía Tây Hà Nội. 
 
Sau hơn một năm khởi công xây dựng, một số đoạn hầm đã được thành hình trên đại công trường trị giá hơn 700 tỷ đồng. 
 
Theo thiết kế, dự án dài 475 m, trong đó, phần hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m. Đến nay, dự án đạt tiến độ gần 30% tổng khối lượng thi công dự kiến thông xe cuối năm 2022.
 
Sau khi hoàn thành, trục Tố Hữu - Lê Văn Lương sẽ có 10 làn xe, bao gồm 4 làn của hầm chui và 6 làn đường song hành.
 
Trước hầm chui Lê Văn Lương, Hà Nội đã hoàn thành hầm chui Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân qua đường Vành đai 3. Tương lai, Thành phố tiếp tục đầu tư 2 hầm chui qua trục đường này gồm: Hầm Cổ Nhuế (kết nối trục Tây Thăng Long) và hầm Hoàng Quốc Việt (kết nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài).
 
Năm 2022 tiếp tục được TP Hà Nội lựa chọn với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Năm An toàn giao thông với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 29/12/2021 thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 trên nguyên tắc thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
 
Sở Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường trực Ban ATGT Thành phố sẽ tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phù hợp với thực tiễn đảm bảo khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, công trình giao thông hiện có… góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t