Xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn (15:15 17/06/2021)


HNP - Sáng 17/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TP về kết quả thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển chuỗi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Dự và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng một số sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc


Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 1.630 chuỗi và 2.991 điểm bán hàng, trong đó Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi (chiếm 8,8% tổng số chuỗi của cả nước) với 70 điểm bán. Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho Hà Nội là 786 chuỗi (chiếm 48%) với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi (22%). Như vậy, chỉ có 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho Hà Nội (chiếm 1/3 số tỉnh thành trong cả nước) thì số lượng chuỗi cung cấp cho Hà Nội đã triển khai đạt gần 50% số chuỗi trên cả nước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong việc triển khai chương trình phối hợp chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản cho thành phố Hà Nội mà chương trình đã thực hiện trong giai đoạn 2015-2020.
 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt ATTP được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng, đó là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại Hà Nội. Việc tạo ra sản phẩm ATTP được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp ra tăng giá trị sản phẩm (gia tăng giá trị sản phẩm từ 15-20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi) và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện tích trên địa bàn cả nước.
 
Qua việc liên kết các hộ chăn nuôi thành các tổ chức như Hội chăn nuôi - tiêu thụ, Hợp tác xã... đã tổ chức thành công hoạt động mua chung dịch vụ đầu vào nên đã giảm được một số chi phí như thức ăn, thuốc thú y, con giống. Bên cạnh đó, còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp, cửa hàng, tạo ra hiệu quả kinh tế được khẳng định như giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán ra trên thị trường... 
 
Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 về cơ bản đã thực hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình. Các địa phương tham gia Chương trình đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật về đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trong các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Công tác truyền thông và quảng bá về cơ sở sản xuất, sản phẩm an toàn, về sản phẩm rau, thịt an toàn thuộc Chương trình chuỗi thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến đa dạng, phong phú. Thường xuyên giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh đủ điều kiện ATTP để phối hợp công tác kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản. 
 
Giai đoạn 2021-2025, Thành phố đưa ra mục tiêu hỗ trợ phát triển, xây dựng liên kết cho 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của Thành phố. 100% các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
 
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng một số mô hình chuỗi trong các lĩnh vực đặc thù để thí điểm, đồng thời, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của Bộ NN&PTNT để triển khai và phát triển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ hình thành hệ thống chợ đầu mối để kiểm soát được đầu vào, nguồn gốc cũng như kiểm soát được ATTP. Cùng với đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung vào những sản phẩm mang lại giá thị cao gắn với mô hình Hợp tác xã, trang trại; tập trung thúc đẩy hoàn thành nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm công nghệ cao...
 
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, Thành phố Hà Nội có 12/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó, huyện Đan Phượng có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 368/382 xã đạt chuẩn NTM chiếm 96,3%, trong đó, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 
 
Thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm với mục tiêu đến hết năm 2020 tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay, Thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 04 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm quốc gia công nhận sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%). Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý Thành phố Hà Nội xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, truy xuất rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không chỉ với sản phẩm xuất khẩu, sản xuất tiêu thụ trong nước cũng phải đảm bảo vấn đề này. 
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp với thành phố để rà soát, xác định lại các tiêu chí NTM nâng cao của huyện Đan Phượng, nếu đáp ứng đủ thì làm hồ sơ trình Chính phủ công nhận. Đây cũng là huyện đầu tiên của cả nước sẽ được công nhận NTM nâng cao, vì vậy, cần làm sớm để rút kinh nghiệm triển khai ở các địa phương khác.
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Trung tâm khuyến nông của Bộ nghiên cứu, kết nối với DN để xây dựng các vùng nông nghiệp hữu cơ, xây dựng một số mô hình nông nghiệp đô thị tại Hà Nội với tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tiếp tục phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai Đề án làng nghề; Cục Chế biến và Phát triển tiêu thụ nông sản triển khai quy trình đánh giá nông nghiệp hữu cơ, đồng thời, nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chí nâng cao năng lực đối với các cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại Hà Nội, tổng kết nếu thực hiện tốt sẽ nhân rộng tại các địa phương khác trong cả nước....

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t